Chương trình Cất cánh tháng 5 với chủ đề "Không dừng lại" mang đến cho khán giả câu chuyện của 3 nhân vật. Họ là những vận động viên trên đường đời của chính mình. Trong cuộc sống, có những người không dừng lại để phá vỡ giới hạn của bản thân, có người không dừng lại để giành lấy vinh quang cho nước nhà, có người không dừng lại để trao tri thức, truyền động lực cho nhiều thế hệ… Những con người ấy đã và đang không dừng lại trước bất cứ trở ngại nào để đem lại những giá trị cho bản thân và xã hội.

Nguyễn Thị Hương - Kỳ tích mới của đua thuyền Việt Nam

Ngày 21/4/2024 là thời khắc có ý nghĩa lịch sử với đua thuyền canoeing Việt Nam. Trên đường đua chung kết thuyền đơn 200m nữ giải canoeing vô địch châu Á, vòng loại Olympic Paris 2024 diễn ra tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Hương đã có bứt tốc tuyệt đỉnh trong 100m nửa sau cuộc đua để cán đích ở vị trí thứ 2 với thông số 49 giây 351. Nguyễn Thị Hương đã trở thành vận động viên đua thuyền canoeing đầu tiên của Việt Nam giành suất chính thức dự Olympic. Đáng chú ý là Nguyễn Thị Hương chỉ mất 6 năm, kể từ khi bắt đầu làm quen với môn đua thuyền để bước lên đỉnh cao SEA Games và lúc này đã cầm trên tay tới Paris (Pháp) dự Thế vận hội 2024.

bd14016ef4c0559e0cd15-17160919874131425986681-1716092022537402605980.jpg

Nguyễn Thị Hương bén duyên với thể thao bằng một suy nghĩ rất đơn giản, được nuôi ăn và ở, đỡ gánh nặng giúp gia đình. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình với môn vật và trở thành một vận động viên của đội tuyển vật tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi đội tuyển vật giải tán, Nguyễn Thị Hương được đưa sang đội tuyển đua thuyền. Với nữ vận động viên, đây là một thử thách rất khó khăn khi hai bộ môn thể thao có nhiều đặc điểm hoàn toàn khác nhau.

Từ nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Thị Hương đã vươn từ đấu trường nước đến quốc tế, giành được những huy chương đầu tiên trong sự nghiệp thể thao. Ở cuộc đấu giành tấm vé tham dự Olympic, cô đã có những trải nghiệm khó quên. Từ cảm giác hồi hộp, sợ hãi khi mới bắt đầu vào cuộc đấu đến niềm tin nhất định sẽ giành chiến thắng và cuối cùng là cảm xúc vỡ òa khi biết giành được tấm vé tham gia Olympic danh giá. "Cảm xúc ấy là một sự bùng nổ, tôi chỉ muốn hét lên rằng thầy ơi, các bạn ơi, em đã làm được rồi!, Nguyễn Thị Hương nói.

227d0204f7aa56f40fbb4-1716091987386996328538-1716092052908745327203.jpg

"Bộ môn đua thuyền có kết quả chỉ diễn ra trong ít phút. Nhưng để rút ngắn được kết quả ấy thì đó là quá trình cực khổ của các vận động viên. Có thể 30 giây đầu tiên mình thắng nhưng chỉ cần không tập trung một chút thôi thì sẽ thua luôn" - Nguyễn Thu Hương chia sẻ tiếp - "Giới hạn của con người là vô hạn, nên em muốn chinh phục thật nhiều thử thách và đỉnh cao mới để thử thách bản thân và sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi nào còn có thể".

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới năm 2022

Tác động của biến đổi khí hậu là rất to lớn và xảy ra trên phạm vi toàn cầu với các hiện tượng biến đổi khí hậu dễ nhận là nhiệt độ tăng, băng ở các địa cực tan nhanh, nước biển dâng cao, diện tích sinh tồn của con người bị thu hẹp; thời tiết cực đoan: mưa, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…do đó cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế với nền kinh tế phát thải khí nhà kính thấp. Pin nhiên liệu là một trong những dạng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp năng lượng đang cần phát triển và thúc đẩy.

Vào ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris (Pháp), Hội đồng khoa học UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân với những đóng góp nổi bật cho KHCN với dự án “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh – thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững”.

d8015436a19800c659892-1716091987469416073892.jpg

PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cho biết phụ nữ làm khoa học nói chung vẫn gặp những định kiến giới. Nhưng nếu mình chứng minh được bản lĩnh, sự mạnh mẽ, dám nói dám làm của mình thì sẽ không có định kiến giới, thậm chí còn được sự ủng hộ của các tổ chức, Chính phủ. Người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học có sẵn sự tỉ mỉ, kiên nhẫn nhưng phải có sự đột phá, mạnh mẽ và bản lĩnh thì sẽ thành công.

"Đã có những lúc tôi đứng trước hai suy nghĩ tiếp tục hay dừng lại" - PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ - "Một là mình dừng lại những nghiên cứu hiện tại của mình, chấp nhận những nghiên cứu theo đúng thực trang đang có ở Việt Nam hay là mình tiếp tục. Bản thân mình lúc đó đã nghĩ mình không có đủ tài chính, nguồn nhân lực để một mình phát triển công việc này. Cuối cùng, tôi quyết định cố gắng bởi nếu dừng lại thì Việt Nam mãi mãi không thể tiếp cận được với công nghệ mới này. Chúng ta sẽ có khoảng cách rất xa với các nước phát triển. Lúc ấy tôi còn rất trẻ nhưng tôi không chấp nhận được việc mình sẽ bỏ cuộc".

5eace1c1146fb531ec7e3-17160919873441330210940-17160920973982120253209.jpg

"Khi lá cờ Việt Nam được tung bay ở Pháp, tôi cảm thấy vinh dự vì mình là người Việt Nam, tự hào rằng khoa học công nghệ của chúng ta đã thực sự định vị trên bản đồ khoa học thế giới. Tôi nhớ lại suy nghĩ của mình, ra đi để trở về cống hiến cho đất nước, không dừng lại khi gặp khó khăn", PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân kết lại.

Lê Duy Ứng - Người họa sĩ dùng máu từ đôi mắt bị thương vẽ chân dung Bác Hồ

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Trung, họa sĩ Lê Duy Ứng (SN 1947) nhập ngũ khi đang là sinh viên đại học. Không may cho ông, trong một cuộc chiến ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn, ông bị thương nặng và mất đi đôi mắt của mình. Nhưng cũng thật may mắn cho ông, trong khoảnh khắc vô cùng bấp bênh để níu giữ sự sống, hình ảnh Bác Hồ hiện ra thật rõ nét, sáng ngời, như một niềm hy vọng để ông tiếp tục sống. Ông vẽ bức tranh Bác Hồ, bằng máu từ đôi mắt bị thương của mình trên đó đề dòng chữ: "Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. 28/4/1975". Bức tranh được thực hiện ngay trong trận chiến khốc liệt tại cửa ngõ Sài Gòn, trong những giây phút tỉnh táo cuối cùng trước khi Lê Duy Ứng ngất đi vì vết thương quá nặng.

a886328ac724667a3f351-17160919874031753109620-1716092159334857973483.jpg

Chỉ ít ngày sau đó, cuộc đấu tranh giải phóng đất nước đã toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà. Lê Duy Ứng được đưa vào chữa trị trong các bệnh viện quân y ở miền Nam và miền Bắc. Đã có những giai đoạn đôi mắt của ông sáng trở lại, nhưng rồi sau hai lần cấy ghép mắt, cơ hội nhìn thấy của ông cũng khép lại. Tuy nhiên, dù mắt có nhìn được hay không, ông vẫn miệt mài vẽ tranh. Đôi mắt giờ đây chỉ còn lờ mờ cảm nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm, nhưng Lê Duy Ứng vẫn tiếp tục vẽ Bác Hồ thông qua trí nhớ, bằng tất cả lòng kính yêu trọn vẹn dành cho Bác. Ông vẽ Bác, tạc tượng Bác như một nguồn cảm hứng bất tận.

"Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục làm việc" - họa sĩ Lê Duy Ưng nói tiếp - "Bác Hồ nói thương binh tàn nhưng không phế. Tôi sẽ tiếp tục làm tượng... Nhiều người nói tôi già rồi, mắt không nhìn rõ thì dừng lại thôi nhưng tôi không bao giờ dừng. Nếu tôi dừng lại chắc chỉ khi không còn sức khỏe nữa".

Cùng theo dõi chương trình Cất cánh dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022