Tháng 11 là thời điểm mỗi người đang cố gắng để hoàn thành những mục tiêu đề ra của năm 2022, thời điểm ai cũng cần một điểm tựa. Đó là điểm tựa niềm tin, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mang đến mọi điều tốt đẹp. Đó là những bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, những tấm lòng chia sẻ và cả những ký ức đẹp của cuộc sống.

Cất cánh tháng 11 mang tới cho khán giả câu chuyện về những "điểm tựa đặc biệt", với sự tham gia của ông Đỗ Văn Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) với câu chuyện về hành trình trở thành điểm tựa bình yên của gia đình; Triệu Thị Quyên - Giáo viên Trường THCS Xín Cái - huyện Mèo Vạc - Hà Giang cùng câu chuyện về điểm tựa mới giúp các em nhỏ nơi miền núi phía Bắc được tiếp cận với nguồn tri thức hiện đại, tiếp thêm những niềm tin để học tập và vươn lên; Hồ Phạm Minh Duy với câu chuyện về điểm tựa tử tế được ươm mầm, giúp đỡ những người nông dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chương trình còn có sự tham gia của Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

screenshot156-16689215867421436702578.png
screenshot157-1668921586742450046980.png

Câu chuyện mở màn Cất cánh tháng 11 là điểm tựa gia đình, điểm tựa bình yên nhất của một người. Câu chuyện bình dị của người con tuổi U50 Đỗ Văn Hương, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội. Bình yên là gì nếu không phải là mái nhà, là tình yêu, ai trong cuộc đời đều cần có điểm tựa bình yên ấy.

Không có hiệu ứng cầu kỳ, không có nhạc nền bắt trend nhưng những video ghi lại cuộc sống hàng ngày của ông Đỗ Văn Hương thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận. Nhiều người đã khóc trước những cử chỉ ân cần mà ông Hương dành cho mẹ của mình.

"Mẹ tôi – người mà tôi thường gọi là em bé u. Đó là cách gọi thân thương, trìu mến dành cho mẹ. Bà năm nay 95 tuổi nhưng nhiều lúc như em bé 5 tuổi" – ông Đỗ Văn Hương chia sẻ - "Các bạn có bao nhiêu thời gian dành cho cha, cho mẹ? 50 năm, 20 năm hay 10 năm. Với một người U50 như tôi, thời gian bên cạnh mẹ như một chiếc đồng hồ cát. Chúng ta có cả một cuộc đời, nhưng thời gian dành cho mẹ được bao nhiêu. Người ta nói khi cha mẹ về già, điểm tựa của cha mẹ là con cái. Nhưng đối với tôi, điểm tựa chính là em bé u".

Những câu chuyện đời sống bình dị của gia đình ông Đỗ Văn Hương khiến nhiều người hiểu rằng chữ hiếu không chỉ nói bằng lời mà còn từ hành động, sự kiên trì, tình yêu thương và cả lạc quan.

screenshot158-16689215867431832718.png
screenshot159-1668921586744561128931.png

Hành trình Cất cánh đến với địa điểm tiếp theo là một điểm trường vùng cao tại Hà Giang. Ở đó, có những lớp học mang tên "lớp học vạn dặm", chứa đựng niềm vui của tất cả cô và trò. Chỉ với một chiếc tivi có kết nối Internet, những lớp học tiếng Anh kết nối giữa các giáo viên thủ đô và tất cả các học sinh thuộc 17 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang mở ra một cách học mới theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tương tác và nhiều hình ảnh lý thú hơn. Những lớp học kết nối vạn dặm như vậy được xem là chìa khóa thắp sáng ước mơ học hành của học sinh nơi đây. Để đáp ứng đủ nhủ cầu học 4 tiết/tuần của học sinh, trong khi cả huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, bên cạnh những lớp học trực tuyến, các giáo viên dạy tiếng Anh cấp 2 như cô Triệu Thị Quyên được tăng cường về dạy thêm cấp 1. Cô đã tiếp nối hành trình 15 năm gắn bó với nơi đây, gieo thêm những ước mơ mở cửa ra thế giới, với những cung đường gập ghềnh và nguy hiểm.

17 km là chiều dài con đường cô Triệu Thị Quyên tới điểm trường. Nhưng ở nơi điều kiện thời tiết khắc nghiệp, cơ sở vật chất đường xá chưa tốt thì hành trình ấy không dễ dàng với cô giáo. Dù vậy, bất chấp khó khăn, cô Triệu Thị Quyên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo, bởi cô một điểm tựa đặc biệt.

"15 năm ở đó, tôi nhận được sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều từ chính quyền địa phương, của Ban giám hiệu, của đồng nghiệp và của bà con nhân dân, đặc biệt là học sinh của tôi. Giờ đây, các em đã bắt đầu có nhận thức tốt hơn với việc học nói chung và với môn học tiếng Anh nói riêng. Nhiều em đã thi đỗ đại học và đi học ở những thành phố lớn. Đối với cá nhân, chúng tôi không mong muốn gì nhiều, chỉ mong là điểm tựa nho nhỏ, giúp các em có kiến thức, trang bị để sau này có cuộc sống tốt hơn. Nhưng các em cũng là điểm tựa tinh thần rất lớn của chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn", cô Triệu Thị Quyên tâm sự.

screenshot161-16689215867452044021656.png
screenshot160-1668921586744987790136.png

Câu chuyện khép lại Cất cánh là về Hồ Phạm Minh Duy với câu chuyện về điểm tựa tử tế được ươm mầm, giúp đỡ những người nông dân. Tại Việt Nam, cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc top đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng những người nông dân sản xuất vẫn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung ứng.

Bén duyên với mảnh đất Đà Lạt, chàng trai Minh Duy với tình yêu cà phê đã sẵn sàng trở thành điểm tựa của người nông dân, với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống để nâng cao giá trị hạt cà phê trong nước và quốc tế. Từ điểm tựa đó, sau 5 năm, hệ sinh thái cà phê đặc sản đã phát triển trên tổng diện tích gần 200 ha, cung ứng 70% thị trường xuất khẩu, 30% cho thị trường trong nước. Mỗi năm xuất khẩu khoảng 150 tấn cà phê đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, đem đến cuộc sống ấm no cho người nông dân.

"Khát vọng dù lớn đến đâu thì cũng cần bệ phóng, cần điểm tựa. Nó có thể đến từ gia đình, niềm tin, đến từ những điều tử tế nhỏ nhặt. Đối với tôi, tôi mong muốn có thể lan tỏa những điều tích cực cho mọi người", Minh Duy tâm sự.

Cùng theo dõi câu chuyện của Cất cánh tháng 11 qua video dưới dây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022