Phim điện ảnh đề tài kháng chiến của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dự kiến ra rạp vào tháng 4/2025, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Phim làm từ ngân sách xã hội hóa, với dàn diễn viên Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh. Dịp này, đạo diễn nói về quá trình thực hiện tác phẩm.

first-look-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-1714394487.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vpA9M9qdIuGKHHpRQsQd2g
First-look 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'

First-look phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Video: Galaxy

- Anh lấy cảm hứng viết kịch bản từ đâu?

- Tôi biết đến địa đạo từ lâu, từng quay phim du lịch tại đây nhưng chỉ hiểu về bề nổi. Khi chui xuống đó, tôi mới nhận ra nơi này thật kỳ lạ, con người sống, chiến đấu suốt bao năm. Năm 2014, tôi được làm việc với ban lãnh đạo khu di tích - lịch sử Củ Chi, gặp gỡ nhiều các cô chú cựu chiến binh. Đó là nguồn động lực cho tôi viết kịch bản.

Trong thời đau thương vẫn có những điều lãng mạn, dễ thương. Tôi nghe một chú kể ngày trước, người ta nối dài địa đạo bằng cách đào một cái giếng mới (dài 2-3 m), cách giếng cũ khoảng 7-10 m, rồi đào ngang, gặp nhau ở giữa. Chú ấy kể: "Ngày xưa tôi tâm lý lắm, phân công cho hai bạn yêu nhau đào từ hai đầu. Các bạn làm khỏe lắm, để nhanh chóng được gặp nhau". Tôi tưởng tượng ra phân cảnh trong bóng tối, dưới ngọn đèn dầu, chàng trai gặp cô gái anh thương với khuôn mặt lấm lem bùn đất. Tôi rất muốn đưa tình tiết ấy vào phim để khán giả hiểu thêm về tình yêu thời chiến, ngặt nỗi tác phẩm đã khá dài nên phải cắt bớt.

- Phim lịch sử thường khó bán vé, anh kỳ vọng gì ở doanh thu?

- Tôi làm phim này trước tiên để thỏa mãn niềm đam mê lịch sử. Khi bắt gặp một câu chuyện hay song chưa được khai thác nhiều, tôi khát khao được đưa lên màn ảnh rộng. Doanh thu đã có nhà sản xuất đảm nhận, riêng tôi chỉ có nhiệm vụ tạo nên một câu chuyện hay. Tôi nghĩ cứ làm tốt công việc, còn khán giả thương đến đâu, chúng tôi xin nhận đến đấy.

Sau cùng, tôi mong tác phẩm được đón nhận bởi nó xuất phát từ sự chân thành. Tôi kỳ vọng sau khi xem phim, mọi người sẽ thêm góc nhìn để hiểu được thế hệ cha ông ta đã hy sinh như thế nào cho đất nước có được như ngày hôm nay.

- Với dòng phim chiến tranh, bối cảnh là thách thức lớn. Anh vượt qua trở ngại này ra sao?

- Khi quay nội cảnh, chúng tôi dựng một mô hình lắp ghép dài 250 m, do địa đạo thật có đường kính rất nhỏ, không thể đặt máy quay. Với cảnh bom nổ trên mặt đất, dưới địa đạo chịu rung chấn, chúng tôi làm một bệ lớn, đặt mô hình lên trên. Sau đó, thuê kỹ sư thiết kế máy tạo rung động với tần số phù hợp. Hay phân đoạn xe tăng càn quét, êkíp chế tạo một máy để làm sập hầm, đất phủ lên người diễn viên nhưng vẫn giữ an toàn.

Ở ngoại cảnh, chúng tôi cũng tạo dựng, không gì là có sẵn. Chẳng hạn, khi quay cảnh làng bị triệt phá, êkíp dùng thuốc nổ để tạo khoảng 50 hố bom. Nhà sản xuất thuê sáu hecta rừng, tạo cảnh cháy (nhưng vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường). Tôi may mắn vì phim được quay lúc này, khi đủ công nghệ, máy móc. Nếu tầm 5 năm trước, dự án này không biết phải làm thế nào.

- Chưa từng hợp tác với Thái Hòa, vì sao ở dự án điện ảnh mới, anh mời diễn viên đóng chính?

- Vai của Thái Hòa là Tư Đạp - đội trưởng đội du kích bám trụ ở Củ Chi sau trận càn Cedar Falls (năm 1967). Một ngày, họ nhận nhiệm vụ bảo vệ cho tổ thông tin tình báo. Việc này có thể khiến đội bị lộ vị trí, ảnh hưởng tính mạng, song họ không được phép bỏ trốn.

Tư Đạp có nhiều cảnh đấu tranh nội tâm phức tạp, chẳng hạn sự dằn vặt khi phải giấu nhiệm vụ thực sự trước đồng đội. Khi viết kịch bản, tôi hình dung nhân vật này do Thái Hòa đóng thì tốt biết mấy. Sau khi anh ấy casting, tôi tin đây là lựa chọn hoàn hảo cho phim.Ngoài diễn xuất, anh cũng chia sẻ cho tôi tài liệu anh ấy tự tìm tòi, như hồi ký của những người đã tham gia cuộc chiến ở Củ Chi. Đó là những nguồn tư liệu quý, nguyên bản để tôi có thêm góc nhìn làm phim.

thai-hoa-dia-dao-2-JPG-9983-1724839162.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WoE2LIvi1lWkUo-xj__dFw

Thái Hòa và dàn diễn viên tập sống dưới địa đạo như du kích thời chiến. Anh đóng vai Tư Đạp - đội trưởng đội du kích. Ảnh: Thanh Huyền

- Anh đặt tiêu chí ra sao cho Thái Hòa khi nhập vai?

- Với Thái Hòa, tôi đặt kỳ vọng cao hơn so với các diễn viên còn lại. Ban đầu, tôi khá lo vì anh đã 50 tuổi, khó lòng chịu được những cảnh "quăng quật" như các diễn viên trẻ. Hiểu điều đó, anh luôn tập trung cao độ cho vai diễn. Anh diễn cả nghìn lần cảnh bắn, tháo lắp súng, hay động tác trườn bò dưới địa đạo, người luôn lấm lem bùn đất vì ngụp lặn dưới sông, sình.

Tạo hình diễn viên có nhiều yêu cầu đặc biệt, bởi du kích thời đó gầy do thiếu ăn nhưng đôi mắt rất sáng. Các gương mặt tham gia phim đều là những người "máu lửa" với nghề, muốn thử sức với dạng vai khó. Tôi đề nghị Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh giảm cân nhiều nhất có thể, vài tháng trước khi bấm máy.

bui-thac-chuyen-2-JPG-8052-1724839162.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mcc6J8NIRWqgSeoEHrCJmA

Bùi Thạc Chuyên (trái) lội sông hướng dẫn diễn viên trong một cảnh quay. Ảnh: Thanh Huyền

- Ngoài yêu cầu tạo hình, các diễn viên trải qua quá trình rèn luyện kỹ năng ra sao?

- Chúng tôi mất nhiều tháng để chuẩn bị về kiến thức, sức khỏe. Êkíp may mắn được Bộ tư lệnh TP HCM hỗ trợ nhiệt tình để các diễn viên tập bắn súng với đạn thật ở thao trường, hoặc tập thể lực, chiến đấu bằng dao suốt một tháng. Họ phải chui xuống hầm, cầm vũ khí di chuyển với tốc độ nhanh nhất có thể theo đồng hồ bấm giờ. Việc luồn lách các lỗ trong địa đạo - vốn chỉ rộng khoảng 50 cm - khiến các diễn viên căng thẳng.

Mỗi ngày, đoàn phim ghi hình suốt 14 giờ trong hai tháng. Chúng tôi dùng toàn bộ súng thật, nặng bốn, năm kg mỗi khẩu, sử dụng đạn mã tử để không gây sát thương. Tôi đề nghị họ tập nhuần nhuyễn để khi đóng phim, các động tác đã thuần thục. Diễn viên phải cảm nhận khẩu súng như vật bất ly thân, bởi người lính luôn để súng sát bên không rời, ngay cả lúc ngủ. Tôi dặn các em cần nhận ra tâm lý con người thời chiến không thể hời hợt, bởi sống - chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên, 56 tuổi, quê ở Hà Nội. Năm 1995, anh theo học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với tác phẩm Cuốc xe đêm- phim Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Năm 2023, Tro tàn rực rỡ - phim anh chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư - đoạt giải Bông sen vàng, dự Oscar 2024 ở hạng mục Phim truyện quốc tế. Đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 2002.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022