Chiều 16.7, tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã lên tiếng về việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên Twitter nói rằng nước này “đã hoạt động trên Biển Đông từ hơn 2.000 năm trước” và “đường 9 đoạn” (tức đường lưỡi bò) không phải mới có năm 2009, mà đã được chính phủ nước này vẽ trong bản đồ từ năm 1948.
Trung Quốc xây dựng nhiều công trình phi pháp ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Ảnh: Mai Thanh Hải |
Yêu sách bị bác bỏ
Cụ thể, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại một lần nữa là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Trước đó, trên Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục bày tỏ quan điểm phản bác sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra Tuyên bố lập trường của Mỹ về yêu sách trên Biển Đông, bằng cách cho rằng “đường 9 đoạn” đã được chính phủ Trung Quốc vẽ trên bản đồ từ năm 1948 và người Trung Quốc đã có hoạt động trên Biển Đông từ hơn 2.000 năm trước. Bà Doanh cũng đồng thời nêu lại cái gọi là “quyền lịch sử” với khu vực này và cho rằng hơn 70 năm qua, Trung Quốc “đã lấy lại Nam Sa và Tây Sa (quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam) một cách hợp pháp từ Nhật Bản và thực thi chủ quyền ở khu vực này...”.
Trên thực tế, tuyên bố về “đường 9 đoạn” và quyền lịch sử của Trung Quốc đều đã bị Tòa trọng tài bác bỏ trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc năm 2016. Mỹ đã bày tỏ lập trường ủng hộ phán quyết này.
Hoan nghênh các lập trường phù hợp luật pháp quốc tế
Cũng trong cuộc họp báo chiều 16.7, đại diện CNN đã đặt vấn đề và nêu câu hỏi về tác động của tuyên bố mới của Mỹ về các yêu sách trên Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”, cũng như cho rằng việc Trung Quốc cản trở các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế mỗi nước là “phi pháp”. Các tuyên bố này của Mỹ khiến Trung Quốc “tức giận”.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam liên quan đến tuyên bố của Mỹ, bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm: Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”.
Theo bà Hằng, Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh, để có hòa bình, phải có nỗ lực và hành xử có trách nhiệm của tất cả các bên. “Để Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng, đồng thời là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”, bà Hằng nói.
Nhiều nước ủng hộ UNCLOS 1982 cho Biển Đông
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có hội đàm trực tuyến với Quốc vụ khanh Anh Nigel Adams. Tại hội đàm, ông Nigel Adams đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, khẳng định Anh sẵn sàng hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các khuôn khổ đa phương, ủng hộ giữ gìn hòa bình, ổn định, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 tại Biển Đông, đề nghị Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN sau Brexit.
Cũng trong ngày 16.7, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN - Ấn Độ (AISOM) thường niên lần thứ 22 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, hai bên chia sẻ thông tin cập nhật về các vấn đề đang nổi lên ở khu vực. Ấn Độ chủ động thông báo cụ thể với các nước ASEAN về Sáng kiến các đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương do Thủ tướng Narendra Modi nêu tại Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 16 năm 2019 và tình hình quan hệ Ấn - Trung. Ấn Độ cũng nhấn mạnh hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, ủng hộ các nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.