1/10.000 trẻ sơ sinh gặp phải hội chứng di truyền hiếm gặp baby blue ngay khi vừa sinh ra. Ảnh: Firstcryparenting. |
Hội chứng blue baby (em bé màu xanh) là tình trạng mà một số em bé có thể gặp phải ngay khi sinh ra hoặc phát triển sớm trong mấy tháng đầu đời. Tình trạng này đặc trưng bởi màu da tổng thể có tông xanh lam hoặc tím, cũng được gọi là chứng xanh tím.
Màu hơi xanh này dễ nhận thấy nhất ở những nơi da mỏng, chẳng hạn môi, dái tai và gờ móng tay. Hội chứng em bé màu xanh, mặc dù không phổ biến, có thể xảy ra do một số khuyết tật tim bẩm sinh, yếu tố môi trường hoặc di truyền. Hội chứng xảy ra ở 1/10.000 trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây hội chứng blue baby
"Hội chứng blue baby là chứng rối loạn tim bẩm sinh, trong đó máu thiếu oxy lưu thông trong toàn bộ cơ thể của em bé. Nguyên nhân của tình trạng này là tim bị dị dạng do máu thiếu oxy trộn lẫn với máu giàu oxy bên trong các buồng tim", tiến sĩ Srinivas M Kini, chuyên gia tư vấn Nhi khoa, Bệnh viện Marengo QRG, Faridabad (Ấn Độ), cho biết.
Theo Healthline, em bé mắc hội chứng blue baby có màu da xanh tái vì máu được oxy hóa kém. Thông thường, máu được bơm từ tim đến phổi, nơi nó nhận được oxy. Máu được lưu thông trở lại qua tim rồi đi khắp cơ thể. Khi có vấn đề với tim, phổi hoặc máu, máu có thể không được cung cấp oxy đúng cách. Điều này làm cho da có màu xanh.
Mặc dù nguyên nhân chủ yếu là bẩm sinh và một số trẻ sinh ra đã mắc phải tình trạng này, nhiều trường hợp là do tiếp xúc với một số chất và có vấn đề sức khỏe. Ăn thực phẩm hoặc nước có hàm lượng nitrate cao có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe như thiếu máu, không dung nạp protein sữa, nhiễm toan chuyển hóa nặng và nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể là những yếu tố nguy cơ.
Một số vấn đề về tim mạch có thể gây hội chứng blue baby ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
Tứ chứng Fallot (TOF): Mặc dù là dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, TOF là nguyên nhân chính gây ra hội chứng này. Đây là sự kết hợp của 4 dị tật tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến phổi và cho phép máu thiếu oxy chảy vào cơ thể.
TOF bao gồm các tình trạng như có một lỗ trên thành ngăn cách tâm thất trái và phải của tim và một cơ cản trở dòng máu từ tâm thất phải vào động mạch phổi hoặc phổi.
Methemoglobin huyết: Tình trạng này bắt nguồn từ ngộ độc nitrate. Nó có thể xảy ra ở những trẻ bú sữa công thức pha với nước giếng hoặc đồ ăn cho trẻ chứa nhiều thực phẩm giàu nitrat như rau bina hoặc củ cải đường. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
Khi còn nhỏ, trẻ sơ sinh có đường tiêu hóa nhạy cảm và kém phát triển hơn, có nhiều khả năng chuyển hóa nitrate thành nitrit. Khi nitrit lưu thông trong cơ thể, nó tạo ra methemoglobin. Mặc dù giàu oxy, methemoglobin không giải phóng lượng oxy đó vào máu. Điều này tạo ra tình trạng xanh xao cho trẻ sơ sinh.
Dị tật tim bẩm sinh khác
Di truyền gây ra hầu hết dị tật tim bẩm sinh. Ví dụ, trẻ sinh ra mắc hội chứng Down thường có vấn đề về tim. Các vấn đề về sức khỏe của người mẹ, chẳng hạn bệnh tiểu đường type II tiềm ẩn và kiểm soát kém, cũng có thể khiến em bé bị dị tật tim. Một số dị tật tim cũng được xuất hiện mà không có lý do rõ ràng. Chỉ một số dị tật tim bẩm sinh gây tím tái.
Thông thường, blue baby do yếu tố bẩm sinh nhưng cũng có thể xảy ra khi trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu nitrate. Ảnh: Healthfully. |
Triệu chứng thường gặp của blue baby
Theo Hindustan Times, trẻ bị mắc hội chứng này có thể có sắc mặt hơi xanh do động mạch chính dẫn đến phổi bị thu hẹp. "Các triệu chứng chủ yếu sẽ là giảm oxy hóa ở trẻ. Độ bão hòa oxy thấp hơn 95, môi và móng tay có màu hơi xanh. Màu da cũng chuyển xám nhưng điều này không thể đánh giá được ở trẻ da màu. Trẻ dễ cáu kỉnh nếu không có bất kỳ lý do rõ ràng nào", tiến sĩ Kini nói.
Mọi cơ quan trong cơ thể của em bé đều sử dụng oxy cho các chức năng quan trọng của nó và việc giảm cung cấp oxy do hội chứng này có thể làm tổn thương chúng vĩnh viễn. Ngoài màu da xanh tái, các triệu chứng khác của hội chứng blue baby ngay từ khi trẻ sinh ra bao gồm:
- Khó bú.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Cáu gắt.
- Thờ ơ với ăn uống.
- Không thể tăng cân.
- Có vấn đề phát triển.
- Nhịp tim nhanh hoặc thở gấp.
- Ngón tay và ngón chân khoèo (hoặc tròn).
- Dễ mệt.
- Cảm thấy khó thở.
Có thể ngăn ngừa blue baby không?
Một số trường hợp mắc hội chứng blue baby là di truyền tự nhiên và không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác có thể tránh được. Các bước cần thực hiện bao gồm:
- Không sử dụng nước giếng. Không pha sữa bột cho em bé bằng nước giếng hoặc cho em bé uống nước giếng cho đến khi em được hơn 12 tháng tuổi.
- Nước đun sôi sẽ không loại bỏ nitrate. Nồng độ nitrate trong nước không được vượt quá 10 mg/L.
- Hạn chế thực phẩm giàu nitrate. Thực phẩm giàu nitrate bao gồm bông cải xanh, rau bina, củ cải đường và cà rốt. Hạn chế số lượng cho bé ăn trước khi bé được 7 tháng tuổi. Nếu bạn tự chế biến thức ăn cho bé và phải sử dụng những loại rau này, hãy dùng loại đông lạnh thay vì tươi.
- Phụ nữ mang thai nên tránh các loại thuốc bất hợp pháp, hút thuốc, uống rượu và một số loại thuốc trong khi mang thai để ngăn ngừa dị tật tim bẩm sinh. Nếu bị tiểu đường, bạn cần báo với bác sĩ và kiểm soát tốt tình trạng này.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.