Tiêu chuẩn hôn nhân mới của đàn ông và phụ nữ Mỹ là kết hôn ở độ tuổi khoảng 30, theo Điều tra dân số. Nhiều thanh niên tin rằng kết hôn ở độ tuổi gần 30 sẽ giảm nguy cơ ly hôn và thực tế có nhiều nghiên cứu phù hợp với niềm tin đó. Đơn cử như nghiên cứu năm 2015 của nhà xã hội học Nicholas Wolfinger, Đại học Utah, phát hiện những phụ nữ kết hôn "quá sớm" (giữa những năm 20 tuổi hoặc sớm hơn) có nhiều khả năng chia tay hơn những người đồng lứa kết hôn gần 30 tuổi.

Một nghiên cứu mới đây còn phát hiện ngoại lệ thú vị. Dựa trên báo cáo hôn nhân và ly hôn của hơn 50.000 phụ nữ trong Khảo sát Quốc gia về Tăng trưởng Gia đình (NFSG) của Mỹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ kết hôn sớm không gặp rủi ro ly hôn, nếu họ chưa từng sống thử trước hôn nhân.

im-478478-8439-1669340178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hfvvUzcVdEpJEToAQlSn-w

Các nhà nghiên cứu tìm thấy kết hôn cuối tuổi 30 hoặci kết hôn sớm mà không sống thử, sẽ giảm được tỷ lệ ly hôn. Ảnh: WSJ

Trên thực tế, những phụ nữ kết hôn trong độ tuổi từ 22 đến 30 chưa sống thử, có tỷ lệ ly hôn thấp nhất trong nghiên cứu của NSFG. Ngược lại, 70% phụ nữ sống chung hoặc có nhiều bạn tình trước khi kết hôn, sẽ tăng ly hôn nếu kết hôn sớm và giảm được ly hôn nếu tầm tuổi 30 mới làm việc này.

Kết quả này đi ngược niềm tin hiện nay của phần lớn người trưởng thành Mỹ, khi tin sống thử là một cách tốt để đánh giá phẩm chất của người bạn đời và mối quan hệ, từ đó nâng cao chất lượng và sự ổn định của cuộc hôn nhân sau này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra, những người Mỹ sống chung trước hôn nhân ít hạnh phúc và nhiều khả năng phải ra tòa ly hôn. Khi xem xét lịch sử hôn nhân của hàng nghìn phụ nữ trên khắp đất nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người sống thử có khả năng ly hôn cao hơn 15%. Một nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ năm 2018 còn chỉ ra nguy cơ ly hôn cao gấp đôi đối với những phụ nữ sống thử với người không phải chồng tương lai.

"Chúng ta thường nghĩ có nhiều kinh nghiệm thì tốt, nhưng nhiều kinh nghiệm trong tình yêu thì có vẻ ngược lại, vì liên quan đến việc sau này có một cuộc hôn nhân kém hạnh phúc hơn", nhà tâm lý học Galena Rhoades, Đại học Denver lý giải.

Nghiên cứu của Rhoades cho thấy một trong các lý do là những lần chung sống trước đây có thể cho những người chồng hoặc người vợ kinh nghiệm về việc chia tay, nên họ có nhiều khả năng tìm đến lối thoát này khi mối quan hệ hiện tại gặp khó khăn.

Có quá khứ chung sống với các bạn tình khác nhau, cũng khiến họ so sánh theo cách giảm giá trị của người chồng hoặc vợ hiện tại. "Chồng bạn, David có thể là một người bạn đời có trách nhiệm và đáng tin cậy, nhưng không hài hước như Will hay sex giỏi như Nate, hai người đàn ông khác mà bạn đã sống cùng trước khi kết hôn. Luôn ghi nhớ những so sánh như vậy khi đã kết hôn có thể ăn mòn hôn nhân của bạn", Rhoades nói.

Cặp vợ chồng mới cưới Joey và Samantha Paris, sống ở Dallas, cho biết bạn bè đồng trang lứa rất ngạc nhiên khi họ kết hôn ở tuổi 24 mà không hề sống chung. Song Joey cho biết: "Sống thử thường khiến những người bạn của tôi lo lắng hơn về mối quan hệ của họ sau khi họ kết hôn. Tôi nghĩ nguyên nhân do một phần sức hấp dẫn của hôn nhân đã mất đi bởi vì trong mắt họ sống thử đã 'ăn hết' tất cả lợi ích của hôn nhân", anh nói.

Joey và Samantha đã có một trải nghiệm rất khác. "Tôi đã rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp của sự trần tục, như cùng nhau nấu ăn, giặt giũ, cùng nhau trang trí cho Giáng sinh, chưa kể đến việc cùng nhau qua đêm", Samantha nói.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận chính xác tại sao phụ nữ trẻ kết hôn ở độ tuổi 20 mà không sống thử, có tỷ lệ ly hôn thấp nhất. Có phải trải nghiệm chia tay ít hơn, ít bạn đời trước để so sánh hơn hay ý thức sâu sắc hơn về hôn nhân?

Song có một điều rõ ràng: Nếu bạn là một phụ nữ trẻ đang nghĩ đến việc kết hôn nhưng lo lắng ly hôn, nghiên cứu cho thấy bạn không cần phải đợi đến khi 30 tuổi, miễn là tìm được một người bạn đời tốt và đừng sống chung cho đến sau ngày cưới.

Bảo Nhiên (Theo WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022