Ở tháng thứ 7 thai kỳ, thắt lưng H Đinh đau và tê cứng nhưng cứ ba ngày cô mới được về nhà trọ ở huyện Củ Chi ngả lưng một đêm. Thời gian còn lại cô ở cạnh Y Rung Hdruê, cậu con trai 11 tuổi mắc ung thư hạch bạch huyết.

"Thằng bé trầm tính, rất quấn quýt và cần mẹ", người phụ nữ M'nông 28 tuổi, quê xã Brông Rong, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk nói.

Ba năm trước, H Đinh ly hôn, mang theo hai con Y Rung và H Thủy, 8 tuổi, về nhà ngoại.

H Đinh hái cà phê thuê và cấy lúa ở mảnh ruộng nhỏ sau nhà nên gia đình 6 người quanh năm chật vật lo miếng ăn. Năm ngoái, cô theo người quen xuống TP HCM làm công nhân để gửi tiền về cho ngoại nuôi con. Ở Củ Chi, cô tìm hiểu và đi thêm bước nữa với nam đồng nghiệp, hơn mình ba tuổi.

"Cứ tưởng sẽ sang trang mới cuộc đời thì tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ báo tin con trai ốm nặng", H Đinh nói. Giữa tháng 12, Y Rung bị nôn liên tục, sụt cân và người xanh xao.

Screen-Shot-2025-04-13-at-21-3-2139-5990-1744555974.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NncRCP9huCL0B4CbNNO5JQ

Y Rung ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, tháng 3/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

H Đinh tức tốc về nhà mang con đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và phát hiện cháu có u trong dạ dày phải phẫu thuật gấp. Sau ca phẫu thuật, H Đinh nhận kết quả con mắc ung thư hệ bạch huyết, cần chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM điều trị.

"Cầm kết quả trên tay, tai tôi lùng bùng, mắt nhòe đi", cô kể.

Những đồng tiền cuối cùng mà H Đinh dành dụm đã dùng cho ca phẫu thuật, không đủ chuyển viện cho con.

Y Rung được về nhà vài tuần trong khi H Đinh tự dằn vặt bản thân. Sau nhiều đêm trằn trọc, cô quyết định gõ cửa hết các nhà trong buôn để vay tiền cho con trị bệnh. Người góp vài chục, người cho một, hai trăm nghìn. Họ hàng cho mượn vài triệu. H Đinh gom được 20 triệu đồng, dẫn con rời buôn đi chữa bệnh. Nhưng cùng thời điểm, cô phát hiện mình mang thai.

"Tôi hoang mang, suy sụp nhưng nghĩ nếu mình gục ngã ai sẽ lo cho con", H Đinh kể. Hai mẹ con bước vào cuộc chiến với ung thư trong khi chồng cô miệt mài tăng ca để có thêm thu nhập.

Y Rung vào toa hóa trị đầu tiên đúng giai đoạn H Đinh nghén nặng nhất. Cô đẩy con đi xét nghiệm, tiêm thuốc rồi vội chạy vào nhà vệ sinh nôn. Những hôm cần mua thuốc hoặc thức ăn, cô đành nhờ điều dưỡng hoặc những phụ huynh cùng phòng.

Giữa tháng 2, cô bị kiệt sức trong lần đi bộ men theo thành cầu thang, chóng mặt rồi ngất xỉu. Sau lần cấp cứu, bác sĩ khuyên H Đinh nhập viện theo dõi nhưng cô đành gác lại bởi không tiền, không người trông con.

Ở giường bệnh, Y Rung thấy mẹ vật vã nên nén đau, không dám than thở. Ở toa thứ hai, cậu bé kiệt sức, tóc rụng gần hết và vài lần ói ra máu. Mỗi lần đau, Y Rung chỉ nắm chặt mép chăn, nhắm nghiền mắt, cố không khóc.

"Con đau một mình đau mười", H Đinh nói. "Nó càng im lặng, càng không than thở mình lại càng xót".

Giữa tháng 4, nỗi lo trong H Đinh càng lớn bởi cận ngày sinh. Cả nhà không còn ai có thể xuống TP HCM trông cháu. Trong khi đó, Y Rung vẫn còn phác đồ hóa trị dang dở và số tiền viện phí vẫn treo lơ lửng.

"Nhưng còn nước thì còn tát, dẫu khó cỡ nào cũng ráng lo cho con", H Đinh nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:

  • Tên chương trình: Ten cua ban - Mat troi Hy vong
  • ID chương trình: 195961

Ngọc Ngân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022