Sự việc xảy ra tại một đám cưới thuộc huyện Hoài Tân (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Theo thông tin, chú rể họ Huang, cô dâu họ Chen. Cả hai đều sinh sống tại Hoài Tân.
Đôi bên thương lượng tiền sính lễ là 188.000 Nhân dân tệ (khoảng 660 triệu đồng). Sau đó, chú rể đã chuyển số tiền vào tài khoản của cô dâu.
Tuy nhiên, khi chú rể vừa đưa cô dâu ra xe hoa thì một người bên nhà gái đã trèo lên nắp capo, không cho xe hoa di chuyển. Một người phụ nữ cũng ra "tiếp sức", đứng chặn trước đầu xe.

Hành vi đáng xấu hổ của anh vợ trong ngày cưới em gái.
Người chứng kiến cho biết, người đàn ông trèo lên nắp capo là anh trai của cô dâu. Người này làm vậy là vì nghĩ em rể chưa đưa tiền sính lễ. Chú rể giải thích rằng, tiền đã được chuyển trực tiếp vào tài khoản của cô dâu.
Câu chuyện gây xôn xao, bà con lối xóm và quan khách đều ra xem, công an phải đến can thiệp.
Sau khi làm rõ mọi việc, nhà gái vẫn yêu cầu nhà trai phải trả thêm 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 105 triệu đồng) thì mới được đón dâu. Không muốn sự việc giằng co mãi, chú rể đã chấp nhận yêu cầu.
Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục kết hôn, nỗ lực bỏ sính lễ gây tốn kém
Theo tờ Japan Times ngày 23/3, Trung Quốc vừa công bố các biện pháp mới nhằm đơn giản hóa quy trình đăng ký kết hôn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp đôi.
Với quy định mới, các cặp đôi có thể đăng ký kết hôn tại nơi họ sinh sống thay vì phải quay về quê theo hộ khẩu để làm thủ tục.
Trước đây, nếu một cặp đôi cùng sống ở Bắc Kinh nhưng quê ở hai tỉnh khác nhau, họ buộc phải về quê để đăng ký, gây bất tiện và tốn kém.

Trung Quốc đang nỗ lực loại bỏ các phong tục cưới hỏi tốn kém, như yêu cầu sính lễ cao hay tổ chức đám cưới xa hoa. Ảnh minh họa
Theo Hãng thông tấn Tân Hoa xã, sự điều chỉnh này đặc biệt có lợi cho những người trẻ làm việc và sinh sống xa quê, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Một trong những lý do chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngần ngại kết hôn là gánh nặng tài chính.
Việc sở hữu một căn hộ thường được xem là điều kiện tiên quyết trước khi lập gia đình, nhưng giá nhà đất ngày càng cao khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả.
Ngoài ra chi phí nuôi dạy con, bao gồm học phí nhà trẻ và các lớp học thêm, cũng là yếu tố khiến nhiều cặp đôi trẻ do dự trong việc sinh con.
Để giảm bớt gánh nặng này, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng và cam kết xây dựng thêm cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em.
Đồng thời Bộ Dân chính Trung Quốc cũng đang nỗ lực loại bỏ các phong tục cưới hỏi tốn kém, như yêu cầu sính lễ cao hay tổ chức đám cưới xa hoa.
Sính lễ là số tiền do gia đình chú rể gửi đến gia đình cô dâu. Đây vốn được xem là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình vợ và là một khoản đóng góp cho cuộc sống chung của đôi trẻ.
Tuy nhiên chi phí này đôi khi quá cao, tạo áp lực tài chính cho gia đình chú rể và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy tỉ lệ kết hôn và sinh con, trong bối cảnh dân số nước này đang suy giảm liên tiếp trong ba năm qua và tỉ lệ kết hôn năm 2024 giảm đến 20%.

GĐXH - Đám cưới của cặp đôi đã gây xôn xao cộng đồng mạng và điều gây bất ngờ hơn cả không phải khoảng cách tuổi tác mà là việc cuộc hôn nhân này được gia đình hai bên ủng hộ.

GĐXH - Ly hôn xong mới nhận ra mất mát, người đàn ông muốn tái hôn đã phải trả giá bằng một hành trình khổ ải.