"Tôi cho con gái ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW) từ lúc 6 tháng tuổi, lúc đó chỉ cắt thức ăn vừa cầm để con tự bốc. Khi con một tuổi, bắt đầu ăn thô tốt, ăn được nhiều hơn tôi mới làm những đĩa cơm đẹp mắt để bữa cơm của con vui vẻ hơn", chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, 29 tuổi, ở phường Vạn Thắng, TP Nha Trang chia sẻ.
Chị Thúy Kiều và con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hàng ngày, bà mẹ hai con này nấu hai bữa chính cho gia đình. Trong lúc chờ cơm chín, chị nấu thức ăn, lấy ra trước một phần nhỏ nêm gia vị nhạt để trang trí. Cơm chín, chị lấy lượng vừa đủ con ăn để nặn những hình thù ngộ nghĩnh như hoa lá, các con vật, dùng rong biển hoặc các loại rau củ để làm mắt, mũi...
Để tạo màu cho cơm, bà mẹ trẻ xay rau củ như: cà rốt, gấc để tạo màu cam, cải bó xôi, rau ngót làm màu xanh, màu vàng từ lòng đỏ trứng luộc chín... Nếu lỡ làm dư, chị nấu chín sau đó cấp đông để dùng trong khoảng 1 tuần. Cơm chín chỉ cần châm nước rau củ vào để tạo màu, không cho nhiều tránh bị nhão, trộn chút dầu ăn vào cơm rồi bắt đầu nặn. Tùy vào nguyên liệu của bữa ăn gia đình để "tùy cơ ứng biến" đĩa cơm cho con.
Bà mẹ trẻ cho hay, với chị thì việc tạo hình các con vật từ cơm là công đoạn khó nhất, cần một chút khéo tay để nhìn trông giống thật và sinh động. Những rau củ, trái cây trang trí kèm thêm bên ngoài chị làm nhanh hơn. "Vì thức ăn nấu chung với cả nhà nên chỉ dành thêm khoảng 10 phút làm đĩa cơm cho con. Dù bận công việc nhưng được làm cơm cho con là điều tôi thấy vui vẻ, thoái mái, chứ không áp lực", chị Kiều nói.
Cơm nặn hình nhân vật hoạt hình Totoro tạo màu từ nước hoa đậu biếc, trang trí tôm, măng tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi con gái chưa đi nhà trẻ, chị Kiều làm mỗi ngày hai đĩa vào hai bữa chính. Hiện tại bé đã được 3 tuổi, đã đi học nên mẹ thường chỉ làm một đĩa cơm buổi tối.
Phương pháp ăn dặm "tự chỉ huy" giúp con gái chị xây dựng nết ăn tốt từ lúc một tuổi. Cộng thêm những đĩa cơm của mẹ, bé luôn tỏ ra hứng thú với bữa ăn. Đến bữa, nếu mẹ chưa làm xong thì quấn lấy chân mẹ đòi ăn. Bé chủ động ngồi vào ghế, tự bốc thức ăn và khám phá đĩa cơm mới mẻ mẹ làm. Lúc con ăn, tùy từng giai đoạn chị Kiều dạy con cách cầm thìa, dùng đũa.
"Lúc chăm cậu con trai đầu, vì cho ăn dặm kiểu đút cháo truyền thống nên mỗi lần đi chơi, đi du lịch rất cực. Lo nấu cháo mang theo lỉnh kỉnh, phải đút ép con ăn. Đến bé thứ hai thì việc chăm con của tôi nhàn tênh, bé chủ động, thích ăn uống và tăng cân tốt", chị Kiều nói.
Để đổi mới đĩa cơm cho con mỗi ngày, trước khi đi chợ chị nghĩ về đĩa cơm định làm rồi mua thức ăn phù hợp để chế biến luôn cho cả gia đình. Tuy nhiên, việc tạo hình cũng thường được chị làm một cách ngẫu hứng, tùy vào những nguyên liệu thức ăn mua cho cả gia đình, đặc biệt phải luôn đủ bốn nhóm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất.
"Bé nhà tôi thích ăn thịt, các, đồ béo trước sau đó mới ăn cơm và rau củ. Tuy nhiên, con luôn ăn hết lượng thức ăn mẹ cung cấp chứ không kén chọn", bà mẹ trẻ nói.
Tận dụng hôm nhà ăn ngao, mực chị Kiều nặn hình chú rùa, tỉa cá bằng cà rốt để tạo đĩa cơm với chủ đề dưới nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ban đầu, chị Thúy Kiều cũng thường lo lắng rằng việc con quen ăn thức ăn mẹ làm thì đi ra ngoài hoặc lên lớp sẽ khó hòa nhập nhưng chị nghĩ: "Việc trang trí món ăn chỉ là kích thích sự thèm ăn của con. Con thích thì sẽ chủ động ăn, không kén chọn, bữa ăn của con vui vẻ, thoải mái hơn. Khi đã rèn được thói quen ăn tốt thì không sợ con biếng ăn. Bằng chứng là bé nhà tôi ở nhà trẻ ăn giống các bạn và ăn rất ngoan", chị nói.
Xem thêm những hình ảnh đĩa cơm cho con của chị Kiều.
Diệp Phan
Ảnh: Kiều Nguyễn