4h30 sáng, trên quốc đảo Cyprus (đảo Síp), phía đông Địa Trung Hải, Marios Papadopoulos, 52 tuổi và vợ vùng dậy, sửa soạn để đến công ty. "Nhanh lên, cả tá công việc đang đợi chúng ta giải quyết", anh giục người vợ Việt của mình nhưng khuôn mặt lại tràn đầy vẻ hứng khởi.
"Nếu gặp tôi vào giai đoạn trước khi yêu cô ấy, nhiều người sẽ không nhận ra tôi của hiện tại", người đàn ông nói, giọng trầm xuống khi quá khứ tràn về.
Năm 2012, Marios ly hôn với người vợ thứ hai sau vài tháng chung sống. Bất đồng trong định hướng kinh doanh và không được lòng bố mẹ trong chuyện hôn nhân, Marios bị từ mặt. Anh sống trong một căn hộ cho thuê ở Limassol, quay cuồng tìm cách cứu vãn công ty thu mua nông sản của gia đình đang trên bờ vực phá sản. Hàng tháng, dù cố gắng nhưng lợi nhuận chỉ đủ người đàn ông này trả tiền thuê nhà và chu cấp cho con trai, thậm chí có những tháng không đủ. Chiếc xe ôtô đi làm, anh cũng phải bán.
"Có những ngày tôi không có gì ăn. Mùa đông, đến sử dụng nước nóng tôi cũng phải tính toán kỹ", Marios kể. Những buồn vui trong cuộc sống, anh vẫn hay chia sẻ với Lại Thị Mai, cô nhân viên từng làm việc ở công ty gia đình mình năm năm - người anh vẫn xem như bạn.
Chị Mai là giúp việc, nhân viên của công ty anh Marios trước khi trở thành vợ anh năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Tôi thương nên thi thoảng nấu cho anh bữa cơm, cho anh vay một khoản tiền để san sẻ gánh nặng. Trước đây, khi còn là nhân viên kiêm giúp việc cho gia đình anh, tôi đã được đối xử rất tốt", người phụ nữ quê Yên Dũng, Bắc Giang, 33 tuổi, nhớ lại.
Năm 20 tuổi, chị để con gái 18 tháng tuổi ở quê nhà, mang quần áo, cuốn từ điển Anh - Hy Lạp và một bức hình của con sang đây làm giúp việc. Những năm 2000, nhu cầu sang quốc đảo này kiếm sống của phụ nữ Việt Nam cũng nở rộ như sang Đài Loan, Hàn Quốc.
Khi Marios suy sụp nhất, chị Mai cũng mới trở lại Síp sau hơn một năm về nước làm thủ tục ly hôn. Ở gần nhau trong lúc tâm hồn yếu đuối nhất, qua những cuộc trò chuyện họ tìm thấy sự đồng điệu. "Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết mình cần cô ấy", Marios nói lý do tỏ tình giữa lúc tay trắng.
Mai cũng chẳng đắn đo. "Tôi có gì đâu mà đòi hỏi. Chỉ cần anh ấy tốt và yêu thương", cô gái Việt kể lại. Vì thân nhau, chuyện anh kết hôn rồi đổ vỡ, chị nhiều lần nghe giãi bày. Những áp lực từ dư luận, nỗi khổ tâm vì làm cha mẹ phiền lòng khi ly hôn, Mai cũng kể hết với anh. "Xuất phát là hai người bạn nên chúng tôi đã quá hiểu nhau, biết vết thương lòng của người kia để xoa dịu", chị tâm sự.
Nhưng bố mẹ Mai và gia đình Marios thì không nghĩ vậy. Bà Nguyễn Thị Tưởng sợ Marios "đào hoa" sẽ khiến con gái khổ thêm lần nữa. Nhà lại neo người, bà chỉ mong con về nước. "Đời con, xin mẹ hãy để con một lần tự quyết. Một ngày, mẹ sẽ thấy lựa chọn của con là đúng", cô con gái vừa đi qua một cuộc hôn nhân nhờ mai mối ở tuổi 18, nói.
Đám cưới nhỏ của họ chỉ có bạn bè, không có người thân về dự. Nhìn thấy nét buồn thoáng lên trên mắt vợ, Marios động viên: "Anh hứa sẽ bù đắp cho em. Chúng ta cùng cố gắng chứng minh tình yêu của mình là nghiêm túc".
Sau kết hôn, đang làm công ty có mức lương 1.200 euro, chị Mai về công ty gia đình anh làm, nhận lương 800 euro. Để Marios có thời gian tập trung cho công ty mà vẫn có chi phí sinh hoạt, buổi tối, Mai đi làm giúp việc theo giờ, đi là quần áo thuê. Các ngày thứ 7 đến tận sáng chủ nhật, chị thức trắng làm phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng.
"Tiền kiếm được cô ấy để vào tài khoản chung. Tiêu gì cho bản thân cô ấy cũng nâng lên đặt xuống", Marios nói.
Ngày đi làm ở công ty, tối đi làm thêm, nhưng chị Mai vẫn tranh thủ học thêm tiếng Anh, học cách dùng máy tính, phần mềm Excel để làm kế toán, thư ký. Giữa lúc công ty khó khăn, chị biết giảm nhân sự sẽ giảm gánh nặng cho gia đình chồng.
Quay lại công ty của anh đồng nghĩa với việc hàng ngày chị Mai phải mặt chạm mặt bố mẹ chồng, những người không thích mình. "Ngày nào tôi cũng chào hỏi nhưng ông bà không buồn đáp. Biết họ chưa mở lòng, tôi cố gắng niềm nở với hy vọng một ngày sẽ được hiểu".
Có được Mai, Marios càng thêm phần yên tâm bởi cô cũng biết cách ứng xử với cậu con trai riêng của anh. "Nhiều hôm còn giục tôi rủ con đến nhà chơi, ăn uống", Marios nói. Cũng vì vậy mà mối quan hệ của cha con anh luôn tốt đẹp.
Bằng tình yêu và sự nỗ lực, vợ chồng chị Mai đã vực dậy được doanh nghiệp, dù chỉ còn 20% cổ phần, xây được nhà riêng, có cuộc sống hạnh phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của vợ chồng anh không thể cứu vãn được công ty. Hơn một năm sau khi họ kết hôn, công ty 17 năm gây dựng của gia đình Marios buộc phải chuyển nhượng. Họ chấp nhận bán 80% cổ phần. Vợ chồng Marios giữ lại 20%, được chủ giao quyền quản lý.
"Anh suy sụp mất hơn một tuần. Tôi động viên anh giờ tài sản không còn là của mình, nhưng chỉ còn vợ chồng mình tự quyết, không phải 'nhiều mũi' như khi còn bố mẹ, em trai", chị Mai nói.
Marios bắt tay vào vạch định chiến lược kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Thay vì cho khách nợ ít nhất ba tháng tiền hàng, họ ký hợp đồng hết tháng phải thanh toán. Nhờ vậy, vốn quay về nhanh. Cách quản lý công nhân cũng quy củ hơn.
Nhân viên giao hàng mỗi tháng có thêm tiền thưởng, nhận 14 tháng lương. "Vợ chồng tôi bàn nhau chú trọng chất lượng rồi mới đến giá cả. Kế hoạch được chủ tịch duyệt trước khi triển khai", chị Mai nói.
Chỉ sau vài tháng vận hành, công ty từ chỗ tăng trưởng âm đã bắt đầu sinh lời trở lại. Lương chị Mai từ 800 euro giờ lên 1.500 euro. Vợ chồng chị cũng có lợi nhuận hàng tháng nhờ 20% cổ phần. Marios sắm lại được ôtô đi làm. Chị Mai không còn phải đi làm thêm. Họ cũng sắp sửa dọn về ngôi nhà đang dần hoàn thiện.
Bố mẹ Marios nhìn thấy nỗ lực của hai con đã tin tưởng. Ngôi nhà mới không chỉ là thành quả sau năm năm cố gắng của vợ chồng Việt-Síp, mà còn được bố mẹ Marios cho thêm. Bà Tưởng nhìn thấy con gái hạnh phúc nên không từ chối nghe điện thoại của con nữa. "Chúng nó dự định năm nay nhưng vì Covid-19 nên chưa về được", bà nói.
Chị Đào Thùy Vân, một người Việt sống tại Síp cho biết chị Mai là người trầm tính, nhưng chăm chỉ và thông minh. "Cô ấy như rất nhiều phụ nữ Việt, chọn cách sang Síp làm giúp việc, nhưng đã nỗ lực để hòa nhập, tìm được tình yêu và có được một cuộc sống tốt ở quốc đảo này", chị Thùy Vân nói.
Đúng như chị Thùy Vân nói, chị Mai cũng tự nhận mình ít chia sẻ chuyện đời tư. Nhưng Marios khuyến khích vợ trải lòng. "Khi Mai ly hôn và đến với tôi, nhiều người ở quê nhà nghĩ cô ấy vì tiền bạc. Nhưng họ không hề biết, Mai đã cứu rỗi cuộc đời tôi giữa lúc tay trắng. Đến bây giờ, thi thoảng, tôi vẫn nói với cô ấy như vậy, để nhắc mình trân trọng vợ", người đàn ông có bộ râu như ông già Noel, nói.
Phạm Nga