HPV (virus u nhú ở người) là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, được chia thành loại nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Nhiễm HPV nguy cơ cao là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, trong đó, HPV16 và HPV18 có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất. HPV nguy cơ thấp liên quan các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như mụn cóc sinh dục, chủ yếu do HPV6 và HPV11 gây ra.

Trong hầu hết trường hợp nhiễm virus HPV, cơ thể có thể tự loại bỏ virus thông qua hệ miễn dịch. Do đó, khoảng 90% trường hợp nhiễm virus HPV có thể tự khỏi trong vòng 2 năm. Chỉ số ít trường hợp mới biến chứng gây ra mụn cóc sinh dục, tân sinh trong biểu mô cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.

Tác động của việc nhiễm HPV lên thai phụ

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của thai phụ giảm, làm tăng khả năng lây nhiễm của virus HPV. Hơn nữa, tình trạng sung huyết vùng chậu khi mang thai dẫn đến lượng máu dồi dào cho hệ thống sinh sản và hiện tượng tăng tiết dịch âm đạo. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của HPV trong thai kỳ.

Bác sĩ Ngô Đồng, hiện làm việc tại khoa Phụ sản, Bệnh viện Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Thuận Nghĩa (Bắc Kinh, Trung Quốc), cho hay phụ nữ mang thai bị nhiễm HPV nguy cơ thấp sẽ có nhiều mụn cóc ở đường sinh dục dưới. Đều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc tiếp tục mang thai. Tuy nhiên, sau khi sinh hệ miễn dịch của sản phụ trở lại bình thường, hiện tượng trên sẽ giảm dần và biến mất.

9477452925f3465fb366f989e6005f31.jpeg

Nhiễm HPV nguy cơ cao là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, trong đó, HPV16 và HPV18 có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất. Ảnh: Sohu.

Sản phụ nhiễm HPV nguy cơ cao mà vẫn muốn có thai cần thực hiện soi cổ tử cung. Căn cứ vào kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn sản phụ nên điều trị xong mới có thai hay không. Sản phụ nhiễm HPV khi mang thai cần thường xuyên xét nghiệm HPV, xét nghiệm tế bào cổ tử cung và soi cổ tử cung để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.

Kể cả khi phát hiện tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, sản phụ cũng không cần quá lo lắng vì hầu hết tổn thương cổ tử cung khi mang thai sẽ hồi phục tự nhiên sau sinh.

Ảnh hưởng của HPV lên trẻ sơ sinh

Bác sĩ Ngô Đồng chia sẻ: “Với sản phụ dương tính với HPV trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ trẻ sơ sinh dương tính với HPV dao động từ 5% đến 72%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hầu hết trẻ sơ sinh dương tính với HPV đều có thể tự loại bỏ virus”.

Theo trang Sohu Health, tác động HPV đối với thai nhi và trẻ sơ sinh chủ yếu xảy ra ở các tuýp HPV nguy cơ thấp, đặc biệt là HPV6 và HPV11. Đối với trẻ sơ sinh nhiễm HPV, hậu quả nghiêm trọng nhất là u nhú thanh quản tái phát nhiều lần, nguyên nhân chủ yếu từ HPV6 và HPV11. Nhiễm u nhú thanh quản ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ vì nó gây tắc nghẽn đường hô hấp. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh không cao, chỉ 4,3/100.000 trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nhiễm HPV muốn mang thai cần lưu ý 3 điểm sau:

  • Nếu có mụn cóc ở bộ phận sinh dục, họ nên điều trị dứt điểm trước khi có thai.
  • Kiểm soát ung thư cổ tử cung: Thường xuyên kiểm tra và soi cổ tử cung trước và trong khi mang thai.
  • Nếu nhiễm thêm các bệnh ngoài HPV như viêm âm đạo do vi khuẩn, viêm âm đạo hiếu khí, Chlamydia trachomatis…, sản phụ nên điều trị dứt điểm trước khi có thai vì những bệnh này ảnh hưởng tới sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
mangthai_timesofindia.jpg

Với sản phụ dương tính với HPV trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ trẻ sơ sinh dương tính với HPV dao động từ 5% đến 72%. Ảnh: Times of India.

Thai phụ nhiễm HPV có cần mổ lấy thai?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ về đường lây truyền từ mẹ sang con của virus HPV. Khái niệm này đã được đề xuất từ ​​năm 1956, nhưng cơ chế lây truyền của nó vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. 3 con đường lây truyền là:

  • Lây truyền qua tế bào mầm: Tinh trùng nhiễm virus HPV có thể mang bộ gene của virus vào tế bào trứng để gây bệnh.
  • Lây qua cổ tử cung: Virus vượt qua hàng rào nhau thai, gây nhiễm trùng cho thai nhi trước khi sinh.
  • Lây truyền qua đường sinh sản: Thai nhi bị nhiễm trùng dọc qua ống sinh.

Con đường lây truyền HPV từ mẹ sang con không chỉ qua đường sinh mà còn lây truyền qua tế bào mầm và lây nhiễm trong tử cung nên mổ lấy thai không thể tránh hoàn toàn lây nhiễm. Hơn nữa, hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV có thể tự loại bỏ virus. Do đó, sản phụ nhiễm HPV không cần mổ lấy thai.

Bác sĩ Ngô Đồng nhấn mạnh khi đối mặt với tình trạng lây nhiễm HPV, sản phụ cần tích cực điều chỉnh tâm lý, không nóng vội, không buông xuôi, tuân thủ phương pháp phòng ngừa và điều trị khoa học để sinh nở an toàn.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022