Phụ nữ mang thai nên hạn chế tổng lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới 200 mg mỗi ngày. Ảnh: CNN. |
Theo Very Wealth Family, hầu hết nghiên cứu chỉ ra tiêu thụ lượng caffeine nhỏ không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê có chứa caffeine có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng là phụ nữ mang thai phải theo dõi lượng kỹ caffeine mà họ tiêu thụ.
“Một chút” là bao nhiêu?
Theo Cao đẳng Sản Phụ khoa Mỹ, phụ nữ mang thai nên hạn chế tổng lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới 200 mg mỗi ngày.
Uống quá nhiều cà phê có thể gây ra các vấn đề cho cả người mẹ và đứa trẻ đang phát triển như tăng nguy cơ sẩy thai hoặc nguy cơ con sinh ra bị nhẹ cân. Nó cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu như căng thẳng, mất ngủ hay khiến chứng ợ nóng nghiêm trọng hơn đối với một số người.
Theo Nadia Charif, chuyên gia dinh dưỡng, người đảm nhận vai trò Cố vấn Sức khỏe tại Coffeeble, một tách rưỡi cà phê (gần 340 g) có khoảng 200 mg caffeine, nhưng lượng caffeine có thể khác nhau tùy theo loại và nhãn hiệu cà phê bạn dùng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính lượng caffeine từ các nguồn khác như trà, soda và chocolate. Ngày càng có nhiều thực phẩm bày bán trên kệ có thêm caffeine, vì thế, mọi người hãy kiểm tra nhãn thực phẩm để đảm bảo không có thêm caffeine.
Uống cà phê khi mang thai có lợi ích gì không?
Thực tế, giới khoa học chưa đưa ra lợi ích sức khỏe cụ thể nào cho thai phụ khi uống cà phê. Tuy nhiên, việc tăng cường caffeine có thể hữu ích nếu họ đã quen dùng nó hay cần tăng cường caffeine để có năng lượng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Cảm giác mệt mỏi hơn có thể là phần bình thường của thai kỳ, nhưng nó cũng cho thấy bạn cần ngủ nhiều hơn, đang bị căng thẳng hoặc có thể không được cung cấp đủ chất sắt.
Nếu cảm thấy mình "cần" một tách cà phê chỉ để uống qua ngày, bạn nên thông báo tới nhân viên chăm sóc sức khỏe. Nếu bạn đã quen với uống một tách cà phê vào buổi sáng, việc cắt bỏ nó hoàn toàn có thể không cần thiết. Trong một số trường hợp, bạn sẽ cảm thấy chệnh choạng và đau đầu.
Tiếp tục uống một lượng nhỏ cà phê hoặc uống ít hơn bình thường thay vì cai hoàn toàn có thể giúp bạn cảm nhận được tác dụng tích cực của caffeine mà không có bất kỳ nguy cơ nào đối với em bé hoặc chính bạn.
Tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây mất ngủ, tăng căng thẳng, tăng huyết áp cho thai phụ. Ảnh: Todaysparent. |
Tác hại của tiêu thụ nhiều cà phê khi mang thai
Caffeine đi qua nhau thai và đi vào máu của thai nhi. Hệ tiêu hóa của thai nhi không thể chuyển hóa caffeine một cách hiệu quả. Tiêu thụ hơn 200 mg caffeine mỗi ngày có nguy cơ ảnh hưởng đến cả thai nhi và sức khỏe của chính người mẹ trong suốt thai kỳ.
Tăng huyết áp
Tiêu thụ caffeine có liên quan đến việc tăng huyết áp tạm thời. Sự gia tăng này đáng chú ý hơn ở những người thường không tiêu thụ caffeine (hoặc cơ thể của họ không quen với nó). Nếu có tiền sử huyết áp cao, bạn hãy tham khảo trước ý kiến của nhân viên y tế về các khuyến nghị caffeine dành riêng cho bạn.
Mất ngủ
Bạn có thể muốn uống cà phê để tỉnh táo hơn, nhưng tác dụng hữu ích đó có thể chuyển thành khó ngủ vào ban đêm. Nói chung, bạn nên cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ vào khoảng buổi trưa mỗi ngày để ngăn nó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mang thai có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi cho một số người. Thêm vào đó, sự thay đổi hình dạng cơ thể (đặc biệt là trong những tháng cuối) có thể khiến việc tìm một tư thế ngủ thoải mái trở nên khó khăn hơn. Vì vậy tốt nhất là bạn nên giảm thiểu mọi xáo trộn giấc ngủ do caffeine.
Cân nặng khi sinh thấp
Những bà mẹ tiêu thụ hơn 200 mg caffeine mỗi ngày có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn. Trẻ sơ sinh nhẹ cân có trọng lượng dưới 2,5 kg và chúng có nguy cơ mắc nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến hô hấp và vàng da.
Tăng căng thẳng
Caffeine thúc đẩy sản xuất cortisol trong cơ thể, làm kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng của cơ thể. Đây là tính năng bảo vệ trong các đợt bùng phát nhỏ, không thường xuyên nhưng có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nếu phản ứng căng thẳng này là mạn tính.
Nghiên cứu chỉ ra căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến người đang mang thai mà nó có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh cảm xúc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Sẩy thai
Quá nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu. Chuyên gia cảnh báo: “Caffeine giải phóng catecholamine (hormone được giải phóng để phản ứng với căng thẳng) trong cơ thể người mẹ, có khả năng dẫn đến sảy thai”.