Chia sẻ cảm xúc trên Douyin, Wang cho biết cô thấy trống rỗng khi nhìn thấy lá thư mời nhập học 17 năm trước của Trường trung học số 3 Thanh Châu. Không vào được ngôi trường mơ ước để theo học thể thao là nuối tiếc lớn nhất trong cuộc đời cô. Wang từng đứng thứ hai trong cuộc thi quốc gia nhưng phải từ bỏ ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp để trở thành công nhân nhà máy.
Cô đã chất vấn bố và yêu cầu được biết lý do vì sao ông giấu lá thư. Ban đầu, ông tỏ ra xấu hổ nhưng cuối cùng cho biết không đủ tiền cho con đi học.
Một giấy tờ khác mà nữ công nhân tìm được cho thấy gia đình phải trả 7.800 tệ (gần 26 triệu đồng) tiền học phí. Theo chồng của Wang, bố mẹ vợ đều là người khuyết tật và có chưa tới 10.000 tệ tiền tiết kiệm.
Cô Wang chia sẻ câu chuyện của mình và lá thư mời nhập học 17 năm trước trên mạng xã hội. Ảnh: SCMP
Wang hiểu hoàn cảnh gia đình khi đó và nói sẽ không đòi học tiếp nhưng cô cảm thấy đau lòng vì bố không nói cho mình sự thật. Video của cô thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên Douyin và tạo ra cuộc tranh luận lớn.
"Cô ấy có thể tự mình từ bỏ nhưng ông bố không thể tước đi quyền lựa chọn của con. Điều ông ấy che giấu không chỉ là thư nhập học mà còn là tương lai của cô ấy", một người viết trên Weibo.
"Học tập gần như là con đường duy nhất để một người bình thường có thể thành công. Cô ấy đã có thể nộp đơn xin trợ cấp", người khác bình luận trên Douyin.
"Tôi hiểu được phần nào người bố. Nếu thực sự ích kỷ, ông ấy lẽ ra đã ném lá thư đi thay vì giữ lại", người thứ ba chia sẻ.
Một số người nêu ra việc Wang còn một em trai và cho rằng câu chuyện này có thể là ví dụ về phân biệt giới tính đang diễn ra ở Trung Quốc. Dù vậy, Wang không tiết lộ trình độc học vấn của em trai và không trả lời câu hỏi của mọi người.
Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất thế giới, trung bình 100 bé trai chỉ có 89 bé gái, theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việc bố mẹ bắt con gái trả tiền học phí và tiền sinh hoạt cho anh em trai không phải chuyện hiếm ở đây.
Năm 2021, một quan chức của Tòa án tư pháp Bắc Kinh từng phát biểu trên báo chí rằng tình trạng các bé gái phải nghỉ học để hỗ trợ em trai hoặc con gái sau khi đi lấy chồng vẫn phải hỗ trợ tài chính cho anh em trai rất phổ biến ở Trung Quốc. Nhiều bố mẹ học vấn thấp vẫn thích con trai hơn con gái vì tin rằng chỉ con trai mới có thể nối dõi tông đường.
Huy Phương (Theo SCMP)