Người mẹ bối rối không chắc con trai cáu kỉnh vì mệt trong người hay dỗi.
Chăm sóc một đứa trẻ không phải chuyện khó với Thu. Nhưng từ khi phát hiện con bị ung thư máu, cảm xúc lẫn sức khỏe của đứa trẻ liên tục thay đổi khiến người mẹ dân tộc Tày rất khó nắm bắt. "Tôi không bao giờ nghĩ bất hạnh đó lại ập đến với con, với gia đình mình", Thu kể.
Ngày con gái, Thu làm công nhân tại TP HCM nhưng về quê sau khi lấy chồng cùng huyện, năm 20 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ thuê rẫy cách nhà khoảng 5 km trồng rau, củ, quả, mỗi tháng thu nhập hơn 12 triệu đồng.
Về với nương rẫy, nắng gió Tây Nguyên giúp họ khỏe khoắn và trút được áp lực thị thành. Hai đứa con một gái, một trai kháu khỉnh như liều thuốc tinh thần, xoa dịu những giọt mồ hôi. Năm ngoái, đôi vợ chồng trẻ mua đất, cất được nhà.
Cuộc sống tưởng như viên mãn thì tháng 10/2024, bé Su đột nhiên sốt cao không dứt. Đưa con đến bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ đề nghị chuyển tuyến. Vợ chồng Thu cùng con vào bệnh viện Nhi đồng II, TP HCM. Các bác sĩ kết luận bé bị bạch cầu cấp – một dạng ung thư máu.
"Xung quanh tôi tối sầm lại, chân đứng không vững", người mẹ nói. Su chào đời nặng 3,5kg, hay ăn, chóng lớn. Từ đó đến đầu đông năm ngoái, chị chưa mất đồng tiền thuốc nào cho con. Vì vậy, hai chữ "ung thư" với vợ chồng chị Thu tưởng như "sét đánh ngang trời". Cũng từ giây phút ấy, cuộc sống của gia đình xáo trộn hoàn toàn.
Vợ chồng Thu gửi con gái 7 tuổi ở nhà ngoại để cùng bé Su vào viện điều trị. Từ đó đến nay, cậu bé hơn một tuổi trải qua ba đợt hóa trị để giành sự sống.
Mỗi lần lấy ven để truyền hóa chất cho con là một cuộc chiến. Thương xót con, chị cảm tưởng như cơn đau lan sang mình. Đứa trẻ 10 kg có cánh tay bé xíu, rất khó lấy ven. Có lần y tá phải lấy 5 lần mới được. "Tay con thâm lại vì mũi kim chọc vào cơ thể'', Thu kể.
Hóa chất truyền vào người khiến cậu bé nôn liên tục, không chịu ăn, cứ khóc hoài. Con khóc, mẹ cũng khóc theo.
Nửa năm con nằm viện, chị Thu sụt 5 kg, chồng sụt 3 kg vì kém ăn, mất ngủ và lo lắng triền miên. ''Tôi động viên vợ ăn còn có sữa cho con bú, nhưng mấy ngày đầu biết con bệnh, cô ấy gần như không ăn uống gì'', anh Hoàng Văn Giang, chồng chị kể.

Mẹ con chị Thu tại bệnh viện, hôm 29/3. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng tiếp xúc với những gia đình khác, vợ chồng anh biết gia đình mình không phải trường hợp đặc biệt. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận 2.500 trẻ dưới 19 tuổi mắc ung thư, nằm trong khoảng 280.000 ca toàn thế giới. Trên 80% bệnh nhi tại các nước phát triển được chữa khỏi, trong khi tỷ lệ này tại các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ đạt 20%.
"Các gia đình bệnh nhi khác động viên tôi sóng gió nào rồi cũng sẽ qua nên tôi bình tâm hơn", chị Thu kể. Chị một mình ở lại chăm con để chồng về lên rẫy.
Bà con ở Buôn Đôn biết hoàn cảnh gia đình Thu nên cho hai vợ chồng thuê rẫy gần nhà tiện đường đi lại. Từ hộ cận nghèo, năm nay, họ cũng ''được ưu tiên'' thành hộ nghèo.
Giờ chỉ một người đi làm nuôi bốn miệng ăn, anh Giang chồng Thu dãi nắng trên rẫy từ sáng đến chiều muộn mới về. May mắn, đôi vợ chồng trẻ được chương trình Mặt trời hy vọng trợ viện phí giai đoạn đầu nên chưa phải gánh nợ.
Nhưng hành trình giành lại sự sống của bé Su dự kiến kéo dài ba năm. Trên hành trình đó, Thu không chắc ba sào đất thuê trồng rau có đủ trang trải hay không.
''Bây giờ, tôi không còn mong gì cao sang, chỉ cần con khỏe mạnh. Gia đình đủ bốn người. Mọi khó khăn, vợ chồng tôi đều cố vượt qua'', chị nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:
- Tên chương trình: Ten cua ban - Mat troi Hy vong
- ID chương trình: 195961
Phạm Nga