z4234293356772_8cdbf908da2ce9d1ee434afa41fd8438_1.jpg

Nên thoa kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài để nó khô hoàn toàn và phát huy hết tác dụng. Ảnh: Ewg.org.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Phương, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/4 các tổn thương da do tia UV xảy ra trước 20 tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ ung thư da sau này.

Do đó, không chỉ người trưởng thành, cả trẻ em cũng cần được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen tốt để bảo vệ da khi trưởng thành.

Trẻ từ mấy tuổi được thoa kem chống nắng?

Tuy nhiên, bác sĩ Phương cho hay không phải tất cả trẻ đều có thể dùng kem chống nắng. Cụ thể, phụ huynh nên tránh thoa kem chống nắng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.

Ở độ tuổi này trẻ có tỷ lệ diện tích da trên trọng lượng cơ thể cao hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành. Điều này có nghĩa rằng trẻ sẽ tiếp xúc với các hóa chất trong kem chống nắng nhiều hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn.

Vì vậy, cách tốt nhất là không để trẻ dưới 6 tháng tuổi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và nên ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp bắt buộc phải thoa kem chống nắng, phụ huynh chỉ nên thoa các vùng da nhỏ như má và mu bàn tay.

Trái lại, đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi và trẻ lớn, bác sĩ Phương chia sẻ ngoài việc che chắn bằng quần áo và ở trong bóng râm, phụ huynh có thể thoa kem chống nắng thường xuyên cho trẻ.

Khi ở ngoài trời, trẻ nên mặc quần áo rộng rãi, đội mũ rộng vành che sau gáy và tai, đeo kính râm. Khi đi bơi, trẻ nên sử dụng đồ bơi với loại vải có khả năng chống tia cực tím.

Khi chọn kem chống nắng, bạn cần chọn loại có chỉ số SPF cao, chống được tia UVA và không có mùi thơm để giảm nguy cơ dị ứng.

Bên cạnh đó, phụ huynh không nên tin tưởng hoàn toàn vào các loại kem chống nắng được quảng cáo là “kéo dài thời gian sử dụng”, đôi khi được gọi là “kem chống nắng dùng một lần/ngày”.

Kem chống nắng trên da có thể bị trôi đi, vì vậy việc thoa lại thường xuyên sau mỗi 2 giờ, bất kể loại kem chống nắng nào là điều cần thiết, đặc biệt sau khi tập thể dục, bơi lội, đổ mồ hôi hoặc sau khi lau khô bằng khăn.

Hub_SpraySunscreen_Social_1.jpg

Kem chống nắng nên được thoa lại sau mỗi 2 giờ. Ảnh: Houstonmethodist.

Mẹo thực tế để thoa kem chống nắng cho trẻ

Dưới đây là những gợi ý của bác sĩ Phương khi thoa kem chống nắng cho trẻ để bảo vệ làn da của trẻ khỏi bỏng nắng và cháy nắng.

- Khi trẻ quá háo hức chạy ra ngoài chơi, bạn nên chú ý các vùng dễ bỏ sót không thoa kem chống nắng như lỗ tai, lưng bàn chân và bàn tay.

- Sáng tạo khi thoa kem chống nắng: Hãy sử dụng cách mới lạ khi thoa kem chống nắng để khiến nó trở thành một hoạt động thú vị hơn.

- Dùng thử các loại kem chống nắng khác nhau và xem loại nào phù hợp nhất với con, có thể chống nắng dạng xịt hoặc dạng thỏi sẽ làm bé thích hơn.

- Nên thoa kem chống nắng 15-30 phút trước khi đi đến bãi biển hoặc hồ bơi, vì khi đến nơi, trẻ có thể chỉ muốn chạy thẳng xuống nước mà không thoa kem. Điều này cũng giúp kem chống nắng khô hoàn toàn và phát huy hết tác dụng.

- Làm cho trẻ xao nhãng trong khi thoa kem chống nắng là cách hữu ích. Cho bé xem chương trình TV hoặc bài hát yêu thích có thể giúp bạn có cơ hội thoa kem chống nắng.

- Thoa lớp kem chống nắng thứ hai khoảng 15 phút sau lớp đầu tiên giúp che phủ những vùng mà bạn có thể đã bỏ qua trong lần đầu tiên.

- Viết một từ khi thoa kem chống nắng lên da của bé, đó có thể là một chữ cái trên mỗi tay, thân mình…

- Dùng kem để vẽ một bức tranh và yêu cầu bé đoán xem bạn đang vẽ bức tranh gì (bông hoa, mặt cười…), sau đó nhờ bé giúp xóa nó đi (tức là thoa lên da). Ngoài ra, bạn có thể chơi trò "nối các chấm" với kem chống nắng để bé tán đều kem từ chấm này sang chấm khác.

- Kem chống nắng có màu giúp bạn dễ dàng phát hiện vùng bỏ sót hơn, nhưng sau một thời gian kem cũng sẽ mờ dần.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022