Tiến sĩ John Gottman, nhà tâm lý học của ĐH Washington, Mỹ, người được mệnh danh "có thể dự đoán ly hôn với độ chính xác trên 90%", cùng với cộng sự đã theo dõi hàng nghìn cặp đôi gặp xung đột trong mối quan hệ, qua đó nhận thấy có bốn hành vi chính có thể dự đoán thời điểm xảy ra ly hôn.

Sự chỉ trích

Điều này được định nghĩa là gán cho bạn đời những đặc điểm tiêu cực, mà không nhìn thấy những nỗ lực, điểm tốt của họ. Một ví dụ điển hình là: "Anh luôn nói về bản thân mình. Anh rất ích kỷ".

Khinh thường

Sự khinh thường là dấu hiệu báo trước rõ ràng nhất về việc ly hôn và Gottman nói rằng nó "phải được loại bỏ" để một cuộc hôn nhân có thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Hãy cẩn thận với những câu nói xuất phát từ vị trí tương đối cao hơn, chẳng hạn như "Anh/cô là đồ ngu".

2-2-5583-1706002433.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QjU-zDBd4kYH3zmwZfr3lQ

sự im lặng, phòng thủ là hai trong bốn dấu hiệu cảnh báo mối quan hệ dẫn đến ly hôn. Ảnh: Metro

Tính phòng thủ

Điều này được định nghĩa là sự tự bảo vệ "dưới hình thức phẫn nộ chính đáng hoặc coi mình nạn nhân vô tội". Một câu ví dụ có thể là: "Việc chúng ta luôn đến muộn không phải lỗi của tôi, mà là lỗi của anh".

Từ chối giao tiếp

Từ chối giao tiếp bao gồm rút lui khỏi cuộc trò chuyện và im lặng có chủ đích khi cuộc tranh cãi đang diễn ra. Hành vi này có thể gây tổn thương, bức xúc và tổn hại đến mối quan hệ.

Mặc dù những thói quen này có thể là dấu hiệu của việc ly hôn, nhưng việc nhận biết sớm rất hữu ích vì mang lại cơ hội xoay chuyển tình thế. Theo Dee Holmes, chuyên gia các mối quan hệ và quản lý dịch vụ lâm sàng tại Relate, ở Anh, nếu bạn cảm thấy mình là người cư xử như vậy, bước đầu tiên là hãy suy ngẫm về những gì đang xảy ra trong cuộc hôn nhân đã khiến bạn như thế.

"Bạn có tức giận, thất vọng, khó chịu không?. Bạn bắt đầu cảm thấy như vậy từ khi nào? Điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc hơn?", Dee nói.

Thông thường, chúng ta cư xử như vậy để tránh "bị tổn thương", vì việc giải quyết gốc rễ thực sự của sự bất hòa trong hôn nhân có nghĩa là phải thể hiện những khía cạnh của bản thân mà chúng ta vốn tự ti, tổn thương, không muốn để ai biết.

"Nếu bạn chú ý đến phản ứng và cảm xúc của chính mình sẽ có nhiều khả năng giao tiếp một cách lành mạnh với người bạn đời hơn", cô nói.

Để loại bỏ thói quen phòng thủ hoặc chỉ trích ngay từ đầu, hãy thử đặt mình vào vị trí người bạn đời, thay vì lúc nào cũng đổ lỗi cho họ. Dee khuyên bạn nên bắt đầu bằng câu "Em cảm thấy khó chịu về việc dạo này anh hay về muộn mà không thông báo trước cho em", thay vì buộc tội "Anh đàn đúm, chơi bời suốt ngày".

Lý tưởng nhất là hãy khơi dậy cuộc trò chuyện cởi mở hơn với vợ/chồng của bạn để giúp cả hai có thể hiểu nhau hơn. Nếu các bạn vẫn thấy khó khăn trong mối quan hệ, hãy gặp chuyên gia tư vấn hôn nhân. Là người trung lập, họ sẽ đưa ra lời khuyên thấu đáo hơn.

Bảo Nhiên (Theo Metro)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022