bo-me-15361923780991665252585.png

Ông bà có tiền, nhưng hồi chúng tôi cưới, chồng tôi phải vay tiền công ty để làm mâm cỗ. Cưới xong, bao nhiêu tiền mừng vừa đủ trả nợ và mua sắm vài thứ lặt vặt để sống riêng. Mẹ chồng tôi từng tuyên bố: Bố mẹ chỉ nuôi học hành xong, rồi thân ai nấy lo, bố mẹ không trợ giúp gì nữa cả.

Chúng tôi đi làm ở thành phố, ở nhà thuê. Hồi có bầu đứa đầu, vì thai yếu nên tôi phải nghỉ việc để dưỡng thai. Giai đoạn đó, chỉ mình chồng tôi đi làm, cáng đáng mọi khoản ở đất thủ đô thật không dễ. Có những khi tôi thuốc thang liên miên, phải hỏi mượn vay tiền ông bà. Nhưng vay thì trả, không thiếu một đồng. Mẹ chồng dù biết vợ chồng tôi khó khăn nhưng không hề có ý giúp đỡ.

Bạn bè tôi bảo “như thế càng khỏe, mình tự làm, tự lo, không nhờ cậy thì không phụ thuộc”. Nhưng tôi thì nghĩ, vào những thời điểm khó khăn túng thiếu mà được người thân giúp đỡ thì quý biết bao. Có bố mẹ nào cho con vay một đồng thì lấy lại một đồng. Bố mẹ với con cái, đâu cần phải sòng phẳng như người dưng vậy.

Khó khăn rồi cũng dần qua. Con chúng tôi ngày một lớn. Chúng tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền, mua được mảnh đất nhỏ. Bao năm đi ở trọ, chui rúc trong những căn phòng chật chội ẩm thấp, tôi luôn mơ về một ngôi nhà rộng rãi cho riêng mình.

Tôi bàn với chồng, đất thì có rồi, giờ mà chờ đủ tiền làm nhà thì còn lâu lắm, chi bằng vay mượn mỗi người một ít. Có ai làm nhà mà không phải vay mượn. Tôi sẽ hỏi vay anh em bên ngoại, còn anh thì hỏi vay bên nội. Tháng trước về, thấy bà nội ngồi ghi chép sổ sách tiền lãi cho vay, bà khoe bà có mấy trăm triệu cho vay lãi suất cao, tiền lãi thu về hàng tháng hơn lương kĩ sư của chồng tôi. Nếu chúng tôi làm nhà, chắc bà sẽ cho vay một khoản.

Tính thế nên đợt nghỉ lễ mồng 2-9 vừa rồi, vợ chồng tôi về quê đặt vấn đề với ông bà. Bà vừa nghe xong thì từ chối thẳng thừng: “Không được, tiền tao cho người ta vay, không phải nói rút về là rút ngay được. Chúng mày muốn xây nhà thì đi vay tiền ngân hàng mà xây, tao cho mượn sổ đỏ. Vay ngân hàng lãi suất thấp hơn tiền lãi tao cho người ta vay. Chứ giờ cho chúng mày mượn, chẳng lẽ tao lấy lãi của chúng mày”.

Nói thật, nghe mẹ chồng nói, tôi buồn và ức chế không thể tả. Tôi không hiểu ông bà có thương con không. Ông bà có tiền cho người ta vay, vậy mà lại bảo con đi vay ngân hàng. Ông bà không cho chúng tôi mượn vì lấy lãi thì không nỡ, mà không lấy lãi thì tiếc nên không dám cho vay. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy chán chường. Nhìn ra, thấy bố mẹ nhà người ta thì mua đất mua nhà cho con, còn bố mẹ chồng tôi thì không cho con mượn tiền chỉ vì tiếc mấy đồng tiền lãi.

Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi cãi nhau. Chồng tôi thì nói: “Ông bà đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thắt lưng buộc bụng mới để dành được chừng ấy tiền. Ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp, ngày mưa ngày nắng cũng phơi mặt ngoài đường. Kiếm được đồng tiền khó khăn nên mới thế. Tiền là của ông bà, ông bà không cho vay thì chịu chứ ấm ức nỗi gì”.

Tôi có nói lại vài câu, ý là chưa thấy bố mẹ nào như bố mẹ anh, có tiền cho người ta vay, mà con mình vay thì không cho. Thà để con chui rúc trong nhà trọ chứ nhất quyết không để mất mấy đồng tiền lãi. Giờ còn khỏe thì lo giữ tiền, mai này chết đi có ôm tiền xuống âm phủ được không?

Vậy là chiến tranh nổ ra, kết quả tôi dắt con lên thành phố khi chưa kết thúc ngày nghỉ lễ, còn chồng tôi thì đi sau. Từ hôm lên đến giờ, anh còn không nói năng gì với tôi, bảo tôi có ăn có học mà ứng xử kém, suy nghĩ thiển cận, nông cạn, ích kỷ chỉ biết đến bản thân.

Xét cho cùng thì ai mới là ích kỉ, ai chỉ biết đến bản thân? Tôi mà biết bố mẹ chồng keo kiệt như thế, tôi thà ở trọ suốt đời chứ không thèm mở mồm hỏi mượn tiền. Tôi là con dâu còn thấy không đành, huống chi anh là con đẻ, bố mẹ đối xử như vậy mà không thấy tủi thân sao?

N. Linh

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn.

Trân trọng!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022