Là một phụ nữ độc thân khát khao có con, năm 2023, cô Murray đến bệnh viện ở Savannah, bang Georgia, làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Người mẹ xin tinh trùng từ một người đàn ông da trắng, mắt xanh và mái tóc vàng hoe để tạo phôi.

''Nhưng thời khắc hạnh phúc nhất đã trở thành đáng sợ nhất trong đời tôi'', cô nói về lần đầu nhìn thấy đứa con vừa chào đời.

Cậu bé có làn da đen khiến Murray không thể giải thích, cũng không biết làm gì. Cô không dám khoe ảnh con lên mạng xã hội, không dám để người thân gặp con mình, vì biết họ có chung câu hỏi.

Murray biết chắc có sự nhầm lẫn nào đó đã xảy ra và đứa bé chắc chắn không chung dòng máu với mình. Nhưng cô cũng không thể bỏ rơi con. Mỗi khi chuông cửa reo, cô hoảng hốt, nghĩ ai đó sẽ đến cướp đứa trẻ khỏi vòng tay mình.

6945-1662978336-1739963640-6279-1739964076.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8m0EuCC58PgYcWGeU64tVg

Krystena Murray bên đứa trẻ mình sinh ra nhưng không chung dòng máu. Ảnh: Peiffer Wolf Carr Kane Conway & Wise

Một tháng sau khi sinh, cô nhận được kết quả xét nghiệm ADN, chính thức xác nhận không có quan hệ với đứa trẻ.

Tháng 3/2024, bệnh viện thừa nhận chuyển nhầm phôi. Họ đã liên hệ với cha mẹ di truyền của đứa con mà Murray sinh ra. Cặp vợ chồng đã đệ đơn kiện giành quyền nuôi con. Cô cũng thuê luật sư với mong muốn giữ lại đứa trẻ.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như vậy", Murray, người đang kiện bệnh viện cho biết. Cô ''cảm thấy tan vỡ về tinh thần và thể xác'' khi phải từ bỏ đứa con mình mang nặng, đẻ đau.

Nhóm luật sư khuyên cô nên từ bỏ vì biết chắc sẽ thua kiện. Murray buộc phải trao lại con vào tháng 5/2024 và không còn gặp lại bé.

"Bế con, yêu con, sinh con và xây dựng mối liên kết đặc biệt giữa mẹ và con, tất cả để rồi con bị cướp mất. Vết thương tâm hồn sẽ không bao giờ lành sau chuyện này", cô nói.

Cô đang làm IVF ở một phòng khám khác với hy vọng có thể làm mẹ trong một hoặc hai năm tới.

Nhật Minh (Theo Business Insider)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022