Anh từng là quản lý một công ty kinh doanh thức ăn cho thú cưng, lương 20.000 tệ mỗi tháng (khoảng 70 triệu đồng).

Khi con gái chào đời tháng 5/2023, anh quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con toàn thời gian để vợ đi làm sau kỳ nghỉ thai sản.

Cả hai bên nội ngoại đều ở xa và không thể hỗ trợ. Không đủ điều kiện thuê bảo mẫu, người cha cho rằng việc anh ở nhà là lựa chọn hợp lý, đặc biệt vì công việc của anh linh hoạt hơn.

Mỗi ngày, anh thức dậy từ 6h sáng để pha sữa, thay tã, chơi cùng con, đưa con ra công viên. Buổi chiều, tranh thủ lúc con ngủ, anh nấu ăn và quay video chia sẻ cuộc sống chăm con trên mạng xã hội. Hiện tài khoản "Jasmine’s Dad" của anh có hơn 11.000 người theo dõi.

Tuy nhiên, cuộc sống làm cha toàn thời gian không lãng mạn như tưởng tượng. Con gái thức dậy liên tục vào ban đêm khiến anh không có giấc ngủ trọn vẹn.

Bế con nhiều giờ khiến anh bị viêm khớp, phải đeo nẹp cổ tay. Đỉnh điểm căng thẳng đến khi con gái mắc viêm phổi nặng, nằm viện 5 ngày. Anh túc trực không rời giường bệnh, không ngủ, không tắm, nhưng vẫn bị cả hai bên gia đình trách móc.

z6529125057934-936f2bf2f80c7b9-2985-2741-1746112730.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oQy63dFFNOEb95LIb29CUg

Người cha bị trầm cảm sau sinh vì chăm con toàn thời gian. Ảnh: Baidu

Người vợ, chỉ về nhà vào cuối tuần, thường xuyên chỉ trích anh không thay quần áo cho con, dù anh nói quá kiệt sức để làm thêm việc đó. Mâu thuẫn về cách nuôi dạy con ngày càng căng thẳng. Cuối cùng, họ ly hôn.

Gần đây, người đàn ông chia sẻ trên mạng xã hội rằng anh được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh – căn bệnh thường được nhắc đến ở phụ nữ, nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới, với biểu hiện như căng thẳng, dễ cáu, mất ngủ hoặc đau nhức thể chất.

"Tôi không cảm thấy hạnh phúc khi làm cha toàn thời gian", anh thừa nhận. "Tôi thấy bị choáng ngợp bởi áp lực từ gia đình và xã hội. Tôi cảm giác cuộc sống của mình bị lãng phí".

Câu chuyện của anh thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc, gây tranh cãi gay gắt.

Một số người tỏ ra cảm thông, cho rằng xã hội đang bỏ quên vai trò của người cha trong hành trình làm cha mẹ. "Mọi người thường quên rằng các ông bố cũng mới làm cha và họ cũng đang học hỏi, giống như các bà mẹ", một người bình luận.

Tuy nhiên, không ít người chỉ trích, cho rằng anh đang phóng đại cảm xúc và thiếu chia sẻ với người vợ đã trải qua sinh nở.

"Bạn là một người cha, không phải người bị ốm nghén, đau đẻ hay thay đổi hormone. Bạn phải buồn phiền vì điều gì?", một người khác bình luận.

Nhật Minh (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022