Cuộc khảo sát hồi tháng 6/2023 trên 2.000 người Anh ghi nhận kết quả hơn 1/4 cặp vợ chồng cho biết họ cãi nhau về việc rửa bát. Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp 10 lý do hàng đầu là thủ phạm gây bất hòa gồm: Không rửa bát, giữ nhà sạch sẽ 28%; Không chia sẻ việc nhà 22%; Tiền bạc 19%; Ăn gì vào bữa tối 16%; Ai đã quên tắt đèn 15%; Liên tục sử dụng điện thoại 14%; Xem TV 13%; Nhiệt độ điều hòa 12%; Ngủ khi TV vẫn bật 12%; Bật đèn sáng thay vì đèn ngủ mờ 9%.

Theo nghiên cứu, từ 18h đến 20h là thời điểm mọi người thường cãi nhau nhất. 41% thừa nhận họ cãi nhau với những người sống cùng ít nhất 5 lần một tuần, vào thời điểm này.

Vo-chong-3067-1725005688.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DimO_RewZcR17R_hTc7mzg

Ảnh minh họa: Pexels

Tiến sĩ Lalitaa Suglani, chuyên gia tâm lý của tổ chức Eharmony (Anh) nói nếu các cuộc tranh cãi xảy ra thường xuyên, điều đó có thể chỉ ra các vấn đề chưa được giải quyết hoặc các vấn đề sâu sắc hơn trong mối quan hệ. Bất đồng là bình thường nhưng việc cãi vã liên tục có thể cho thấy giao tiếp đang bị phá vỡ hoặc một hoặc cả hai phía đang đấu tranh để thể hiện cảm xúc của mình theo cách lành mạnh".

Thành viên của nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Suglani giải thích nếu một trong hai người có xu hướng chiếm ưu thế trong cuộc trò chuyện, phớt lờ cảm xúc của người kia hoặc từ chối thỏa hiệp thì đây là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh.

Chuyên gia nhấn mạnh, phải chú ý nếu những vấn đề tương tự cứ liên tục xuất hiện mà không có giải pháp. Nếu mọi cuộc tranh luận đều có vẻ như đang đi vòng vo, hoặc nếu một trong hai người liên tục cảm thấy không được lắng nghe hoặc không được coi trọng, điều này có thể chỉ ra sự không tương thích sâu sắc hoặc cần sự trợ giúp chuyên nghiệp để cải thiện giao tiếp.

Làm thế nào để ngừng tranh cãi với bạn đời?

Cảm xúc là điều tự nhiên nhưng trong một cuộc tranh luận lành mạnh, chúng cần được thể hiện mà không cần dùng đến lời lăng mạ, gọi tên hay hành vi gây tổn thương. Do đó, tiến sĩ Suglani cho rằng thay vì công kích lẫn nhau, cuộc trò chuyện phải tập trung vào vấn đề hoặc mối quan tâm cụ thể đang được đề cập. Cũng cần phải có sự sẵn sàng thỏa hiệp, hai bên cởi mở để tìm ra giải pháp phù hợp. Cần nhớ hai bạn đang ở cùng một đội và có cùng mục tiêu chung, quyết tâm chứ không phải chiến thắng cuộc chiến.

Tiến sĩ Suglani khuyên nên có một cuộc trò chuyện trung thực về mỗi bất đồng trong gia đình. Ví dụ, nếu thường xuyên xảy ra tranh cãi về việc rửa chén và dọn dẹp, hãy thảo luận về kỳ vọng và sở thích của mỗi người. Có thể một người thích dọn dẹp ngay sau bữa ăn, trong khi người kia thích đợi đến lúc khác. Hiểu được những sở thích này có thể giúp bạn tìm được điểm chung.

Sự minh bạch cũng rất quan trọng khi nói đến các vấn đề liên quan đến tiền bạc, và việc thống nhất về ngân sách có thể tránh được căng thẳng và tranh cãi sau này. Tiến sĩ Suglani nói thêm, khi quyết định ăn gì hoặc xem gì, hãy cân nhắc để mỗi người được lựa chọn vào những ngày nhất định. Theo cách này, cả hai người đều cảm thấy như họ có tiếng nói và ngăn chặn những quyết định nhỏ biến thành xung đột lớn hơn.

Nếu mọi cuộc tranh cãi đều diễn ra theo chiều hướng luẩn quẩn hoặc nếu một trong hai người liên tục cảm thấy không được lắng nghe hoặc không được coi trọng, điều đó có thể chỉ ra sự không tương thích sâu sắc và bạn có thể cần tìm kiếm sự trợ giúp hoặc cân nhắc chấm dứt mối quan hệ.

Thùy Linh (Theo Metro)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022