Quản trị bức xạ Mặt Trời hiện nay chủ yếu mang tính lý thuyết. Ảnh: PBS
Gần đây, Thụy Sĩ đề xuất Liên Hợp Quốc (UN) lập nhóm chuyên gia về quản trị bức xạ Mặt Trời (solar geoengineering), một lĩnh vực nghiên cứu gây tranh cãi xoay quanh sử dụng công nghệ để ngăn Mặt Trời tiếp tục thay đổi khí hậu Trái Đất. Việc lập nhóm không khả thi bởi các quốc gia tranh cãi quá nhiều liệu họ có thể làm gì hoặc đạt thành tựu như thế nào. Quản trị bức xạ Mặt Trời là một chủ đề nóng, dù hiện tại chủ yếu nặng tính lý thuyết, theo Popular Mechanics.
Địa kỹ thuật hay kỹ thuật khí hậu là thuật ngữ chung chỉ bất kỳ hoạt động nào nhằm thay đổi khí hậu Trái Đất một cách nhân tạo. Địa khai hóa (terraforming) cũng là một dạng địa kỹ thuật, với mục đích biến những hành tinh "không có sự sống" (thường có khí quyển khắc nghiệt hoặc thậm chí không có khí quyển), thành hành tinh mà con người có thể ở được bằng cách tạo ra không khí và chu kỳ nước giống trên Trái Đất. Quản trị bức xạ Mặt Trời là một nhánh đặc biệt tìm cách thay đổi khí hậu thông qua che Mặt Trời bằng vật liệu phản xạ. Nếu bức xạ Mặt Trời chiếu ngược trở lại, khí hậu Trái Đất sẽ mát hơn.
Đáp lại kêu gọi thành lập nhóm chuyên gia của Thụy Sĩ, ba nhà nghiên cứu đến từ Đại học James Cook ở Australia và Đại học Wageningen ở Hà Lan đăng một bài báo trên trang The Conversation, gọi quản trị bức xạ Mặt Trời là "sự xao lãng nguy hiểm". Theo họ, nghiên cứu chỉ ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn không đáng so với kết quả thu được như ảnh hưởng khó dự đoán, mất đa dạng sinh học, gây suy yếu an ninh lương thực, và xâm phạm nhân quyền đối với nhiều thế hệ.
Từ lâu, quản trị bức xạ Mặt Trời đã gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Năm 2021, Đại học Harvard rút lại kế hoạch cho một thí nghiệm quản trị bức xạ Mặt Trời có tiếng sau khi một nghiên cứu thí điểm nhỏ trên thiết bị họ có thể sử dụng để đưa các hạt vào khí quyển và che khuất Mặt Trời vấp phải phản ứng dữ dội. Đó chỉ là một thử nghiệm với khí cầu và một số thiết bị, không bao gồm bất kỳ hạt nào.
Năm 2022, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đề xuất một nghiên cứu quản trị bức xạ Mặt Trời trong không gian, hướng tới che khuất Mặt Trời từ không gian thay vì thông qua khí quyển Trái Đất. Theo những người đề xuất ý tưởng, nếu biến đổi khí hậu đã tiến triển quá xa, giải pháp khẩn cấp của con người có thể là địa kỹ thuật. Đó có thể là lựa chọn cuối cùng và duy nhất. Từ "khẩn cấp" là mấu chốt trong cuộc tranh cãi về quản trị bức xạ Mặt Trời. Sau nhiều thập kỷ tương đối trì trệ, các nhà khoa học ngày càng lo lắng và thậm chí hoảng sợ trước khủng hoảng khí hậu.
Trong bài báo trên trang The Conversation, các nhà nghiên cứu cho rằng những công nghệ mới sẽ cần 100 năm sử dụng liên tục. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều dự đoán khoa học dễ dẫn tới hệ quả ngoài mong đợi khi ứng dụng trong thực tế. Đó là điều chúng ta không thể biết trừ khi nhà khoa học được phép tiến hành thí nghiệm. Tương tự, việc xóa sổ nhiên liệu hóa thạch trên khắp thế giới cũng kéo dài lâu như vậy, có hệ quả phức tạp đối với nguồn cung cấp thức ăn và nhân quyền.
Nhóm tác giả bài báo nêu thí nghiệm phản chiếu nước biển ở rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Australia) là một thất bại, không tạo ra tác động có ý nghĩa lên nhiệt độ nước. Trong các phiên họp của UN, những quốc gia đang phát triển kêu gọi không sử dụng quản trị bức xạ Mặt Trời. Thay vào đó, họ cho rằng nên tiến hành nghiên cứu thực tế để hiểu rõ hậu quả ngoài ý muốn và nhiều tác động tiềm ẩn khác của quản trị bức xạ Mặt Trời.
An Khang (Theo Popular Mechanics)