Mô phỏng ASO-S quan sát Mặt Trời. Ảnh: Đài quan sát Purple Mountain
Theo dự kiến, Đài quan sát Mặt Trời trong không gian cao cấp (ASO-S) sẽ phóng ngày 20/10 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi. Cỗ máy sẽ gia nhập đội kính viễn vọng quan sát Mặt Trời bao gồm tàu thăm dò Parker của NASA và tàu bay quanh quỹ đạo Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. ASO-S sẽ tham gia theo dõi chặt chẽ Mặt Trời khi ngôi sao tiến gần đến giai đoạn cực đại, thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh được dự đoán đạt đỉnh vào năm 2025.
Kính viễn vọng Trung Quốc trang bị thiết bị tối tân để tiến hành quan sát vốn bất khả thi trên bất kỳ nền tảng nào khác. Từ độ cao 720 km phía trên Trái Đất, ASO-S sẽ là kính viễn vọng đầu tiên có thể theo dõi đồng thời hai hoạt động dữ dội nhất là lóa Mặt Trời và cơn phun trào cực quang cũng như từ trường của ngôi sao. Điều này sẽ giúp con người hiểu rõ mối quan hệ giữa những hiện tượng này và cách chúng thúc đẩy thời tiết vũ trụ hỗn loạn, dẫn tới gián đoạn lưới điện và dịch vụ Internet trên Trái Đất.
Lóa Mặt Trời là chớp ánh sáng cực mạnh trong khi cơn phun trào cực quang giải phóng những đám mây hạt tích điện gọi là plasma. Giới nghiên cứu cho rằng cả hai hiện tượng đều do từ trường rối loạn của Mặt Trời gây ra. Mặt Trời hoạt động mạnh hơn từ khi chu kỳ hiện nay bắt đầu vào tháng 12/2019. Trong giai đoạn cực đại, lóa Mặt Trời có thể xảy ra nhiều lần mỗi ngày, một số mạnh ngang một tỷ quả bom hydro, theo NASA.
Từ thập niên 1960, hơn 70 nhiệm vụ đã phóng vào không gian để nghiên cứu Mặt Trời. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thiết bị cảm biến Mặt Trời từ xa và đặt trên nhiều vệ tinh khác, nhưng ASO-S sẽ là công cụ cỡ lớn đầu tiên để tìm hiểu về ngôi sao. Kính viễn vọng nặng 888 kg sẽ chở thiết bị quan sát từ trường, lóa Mặt Trời và cơn phun trào cực quang. Các thiết bị được thiết kế để hoạt động cùng nhau, quan sát ở độ phân giải cao.
Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu từ ASO-S sẽ được chia sẻ với cộng đồng khoa học toàn cầu. Hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc phóng một vệ tinh thử nghiệm nhỏ mang tên Chinese Hydrogen-Alpha Solar Explorer (CHASE) để nghiên cứu lóa Mặt Trời và hoạt động như tiền thân của ASO-S.
An Khang (Theo SCMP)