Tàu Hằng Nga 6 cất cánh thành công. Video: Xinhua
Trong hành trình 53 ngày, tàu Hằng Nga 6 sẽ hướng đến bồn địa Nam Cực - Aitken (SPA) ở vùng tối Mặt Trăng, mặt không thể quan sát từ Trái Đất, theo Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA). Nhiệm vụ sẽ thu thập 2 kg đất đá từ vị trí hạ cánh và đưa về Trái Đất để phân tích chi tiết. Quá trình lấy mẫu vật sẽ được hỗ trợ bởi vệ tinh Thước Kiều 2 phóng hồi tháng 3, hiện đang quay quanh Mặt Trăng và chờ tàu Hằng Nga 6 bay tới.
Tàu Hằng Nga 6 ban đầu được chế tạo như phương án dự phòng cho nhiệm vụ Hằng Nga 5. Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 vận chuyển thành công 1,73 kg mẫu vật từ vùng sáng của Mặt Trăng. Đó là mẫu vật đá Mặt Trăng đầu tiên được mang về Trái Đất từ sau nhiệm vụ Apollo của Mỹ và Luna của Liên Xô cách đây 5 thập kỷ. Theo Que Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Đại học Harvard chuyên theo dõi hoạt động phóng tên lửa, về cơ bản tàu Hằng Nga 6 là phiên bản lặp lại của Hằng Nga 5. Bổ sung duy nhất là đường truyền liên lạc với vùng tối.
Giống như phiên bản tiền nhiệm, Hằng Nga 6 bao gồm 4 bộ phận: tàu bay quanh quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu lấy mẫu vật và module hồi quyển. Tàu đổ bộ và tàu lấy mẫu vật sẽ hướng tới bề mặt Mặt Trăng, trong khi tàu bay quanh quỹ đạo và module hồi quyển sẽ ở trong không gian. Chúng sẽ đáp xuống khu vực đông bắc bồn địa SPA, nơi có địa chất phức tạp và giá trị khoa học cao. Sau khi thu thập đất đá, tàu lấy mẫu vật sẽ cất cánh, quay trở lại quỹ đạo Mặt Trăng, chuyển cho module hồi quyển để đưa về Trái Đất.
Năm ngoái, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc xác định 3 địa điểm hạ cánh tiềm năng cho tàu Hằng Nga 6 trong bồn địa SPA, hố khổng lồ rộng 2.500 km và sâu 8 km hình thành sau vụ khi tiểu hành tinh đâm vào Mặt Trăng cách đây hàng tỷ năm. Theo dữ liệu cảm biến từ xa, các địa điểm rất đa dạng về niên đại và thành phần hóa học. Tàu vũ trụ sẽ chọn nơi an toàn nhất để tiếp đất khi bay thấp dần.
Tàu Hằng Nga 6 nhiều khả năng sẽ tìm thấy và mang về đá bazan, dung nham đã nguội sẫm màu đầy rẫy ở bồn địa sau các vụ phun trào núi lửa. Các nhà khoa học có thể đo chính xác niên đại, thành phần và cách chúng hình thành. Thông qua so sánh với đá mang về từ vùng sáng của Mặt Trăng, họ có thể tìm thấy manh mối về lý do hai bán cầu của Mặt Trăng khác nhau như vậy.
"Hiểu biết về vùng tối của Mặt Trăng rất quan trọng, đặc biệt do Mặt Trăng có hai mặt, vùng sáng và vùng tối riêng biệt", nhà địa vật lý Ross Mitchell đến từ Viện địa chất học và địa vật lý tại Bắc Kinh, cho biết. Theo Mitchell, trong khi vùng sáng chứa đầy dòng dung nham trẻ và có ít miệng hố, vùng tối giữ nguyên địa hình lồi lõm với nhiều miệng hố cổ đại.
Tàu Hằng Nga 6 cũng vận chuyển thiết bị khoa học do những nhà nghiên cứu quốc tế chế tạo, bao gồm Detection of Outgassing RadoN (DORN), thiết bị đầu tiên của Pháp trên Mặt Trăng. Thiết bị sử dụng khí phóng xạ radon để nghiên cứu không khí cực mỏng của Mặt Trăng.
So với chuyến đi 23 ngày của tàu Hằng Nga 5, chuyến bay của tàu Hằng Nga 6 lâu hơn nhiều do tàu dành nhiều thời gian hơn trên quỹ đạo Mặt Trăng trước khi hạ cánh. Theo dự kiến, tàu Hằng Nga 6 sẽ tới Mặt Trăng vào ngày 7/5 và mẫu vật sẽ đưa về Trái Đất vào ngày 25/6.
An Khang (Theo CNN)