Ý kiến được ông Trần Đức Sự nêu tại hội nghị giải pháp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cộng đồng do Thành đoàn TP HCM phối hợp UBND TP Thủ Đức tổ chức chiều 2/12. Theo ông Sự, hàng năm thông qua các hoạt động, sân chơi về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, giới trẻ TP HCM có hơn 250.000 ý tưởng, sản phẩm công nghệ. Trong số này, nhiều sản phẩm có thể ứng dụng thực tế. Ông lấy dẫn chứng trong đợt Covid-19 các sản phẩm về dung dịch khử khuẩn, máy rửa tay tự động... do thanh niên sản xuất được ứng dụng trong công tác chống dịch.

dmst-thu-duc-jpg-4205-16699793-9258-3246-1669982350.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=heKMzxheWCDcdMDd8toMHA

Ông Trần Đức Sự chia sẻ về vai trò quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo thanh thiếu niên tại hội nghị, chiều 2/12. Ảnh: Hà An

Ông Sự nhận định, các nghiên cứu của giới trẻ TP HCM so với các bạn đồng trang lứa trên thế giới là không thua kém. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nghiên cứu này hiện khá hạn chế, đặc biệt là vấn đề đầu ra sản phẩm. Theo đó ông đề xuất lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo thanh thiếu niên. Quỹ này hoạt động theo cơ chế hỗ trợ trực tiếp, giải ngân nhanh, kịp thời cho các ý tưởng được hiện thực thành sản phẩm và có tính mạo hiểm. "Ý tưởng có thể thất bại nhưng có thể hỗ trợ bạn trẻ tạo ra sản phẩm cụ thể thì rất cần thiết", ông Sự nói.

Theo ông, TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của TP HCM có phòng khoa học công nghệ, cùng gần 400 cơ sở giáo dục trong đó khu vực tư nhân chiếm hơn một nửa là rất thuận lợi để hiện thực hóa việc này. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu quỹ vận hành theo cơ chế ngân sách thì rất khó cho việc hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho thanh niên. Thay vào đó TP Thủ Đức cần lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Phòng khoa học công nghệ để có cơ chế tiếp nhận tài trợ, hợp tác doanh nghiệp, hay các phương thức huy động nguồn lực khác để hỗ trợ thanh thiếu niên về vốn và các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. "Hoạt động sáng tạo cần gắn với nhu cầu doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng để sản phẩm được ứng dụng thực tế và có đầu ra", ông nói.

DMST-Thu-Duc-2-JPG-7514-1669979372.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ecGvECvNj9OSwiq2DWdWog

Máy bay không người lái của sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM giới thiệu tại Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo hồi tháng 11. Ảnh: Hà An

Đồng tình, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP HCM, dẫn chứng bài học của Singapore. Từ năm 1991 quốc gia này đã xây dựng kế hoạch 5 năm về đổi mới sáng tạo, trong đó có việc lập quỹ nghiên cứu quốc gia để hỗ trợ nhân tài phát triển ý tưởng sáng tạo. Nguồn quỹ này lúc đầu chỉ 2 tỷ đôla Singapore, sau tăng lên 25 tỷ. PGS Xuân cho rằng, nhà nước cần có chính sách trung và dài hại cùng với việc sử dụng quỹ để tăng cường hoạt động kết nối giữa đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, cộng đồng để xây dựng nền văn hóa sáng tạo với sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng khoa học công nghệ TP Thủ Đức ghi nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia giúp địa phương có được những giải pháp, cách làm mới cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Ông cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với một số đơn vị mạnh dạn thí điểm ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số trong giao thông, y tế, môi trường... Cùng với đó, địa phương tổ chức các hoạt động gắn kết hệ sinh thái kết nối viện trường và doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên thực tập doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo trong giới trẻ.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022