
Tên lửa Starship cất cánh trong thử nghiệm thứ 9. Video: AFP
Theo Space, siêu tên lửa Starship của SpaceX phóng trong chuyến bay thử thứ 9 hôm 27/5, tuy nhiên nhiệm vụ kết thúc thất bại. Hai tầng của Starship tách ra như kế hoạch và tầng trên bay vào không gian. Tuy nhiên, SpaceX mất cả hai tầng trước khi chúng có thể hoàn thành đầy đủ mục tiêu bay.
Nhiệm vụ cất cánh từ cơ sở Starbase vào 19h37 ngày 27/5 giờ địa phương (7h37 ngày 28/5 giờ Hà Nội), đưa tên lửa cao 40 tầng vào không trung. Chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên tái sử dụng tên lửa đẩy Super Heavy, từng được sử dụng trong chuyến bay thử thứ 7 hồi tháng 1/2025.
Tên lửa đẩy Super Heavy thực hiện nhiều thí nghiệm trên đường bay trở về Trái Đất. Ví dụ, tên lửa đẩy thực hiện một cú lật có kiểm soát thay vì ngẫu nhiên và tiếp xúc với khí quyển ở góc khác. "Bằng cách tăng lượng lực cản không khí lên phương tiện, góc tấn cao hơn có thể dẫn đến tốc độ hạ cánh thấp hơn, đòi hỏi ít nhiên liệu hơn cho lần đốt hạ cánh ban đầu", SpaceX giải thích. "Việc thu thập dữ liệu thực tế về cách tên lửa đẩy kiểm soát đường bay ở góc tấn cao hơn sẽ góp phần cải thiện hiệu suất của phương tiện tương lai, bao gồm thế hệ Super Heavy tiếp theo".
Những thí nghiệm này phức tạp hóa tính chất chuyến bay của Super Heavy so với các nhiệm vụ trước đó, khiến việc thu hồi bằng "đũa gắp" tại căn cứ Starbase trở nên thách thức hơn. Vì vậy, thay vì mạo hiểm phá hủy tháp phóng và cơ sở hạ tầng khác, SpaceX quyết định để tên lửa đẩy hạ cánh trên vịnh Mexico trong chuyến bay thứ 9. Tuy nhiên, Super Heavy không thể hoàn thành nhiệm vụ đó. Tên lửa đẩy phát nổ khoảng 6 phút 20 giây sau khi cất cánh, ngay sau lúc bắt đầu đốt hạ cánh.
Ngược lại, tàu Ship cải thiện hiệu suất đôi chút. Phương tiện bay vào không gian trên quỹ đạo cận quỹ đạo đưa nó hướng về phía đông qua Đại Tây Dương, tương tự trong chuyến bay thứ 7 và 8. Theo dự kiến, tàu Ship sẽ triển khai 8 hình nộm vệ tinh Starlink của SpaceX khoảng 18,5 phút sau khi cất cánh. Điều đó đã không xảy ra do cửa khoang hàng không mở hoàn toàn, vì vậy SpaceX từ bỏ nỗ lực triển khai. Khoảng 30 phút sau khi phóng, Ship bắt đầu lộn nhào do rò rỉ trong hệ thống bình nhiên liệu.
Kết quả là SpaceX phải hủy bỏ kế hoạch đốt lại một trong những động cơ Raptor của Ship trong không gian, dự kiến diễn ra khoảng 38 phút sau khi phóng. Tàu Ship phát nổ bên trên Ấn Độ Dương trong quá trình hồi quyển thay vì hạ cánh nhẹ nhàng xuống biển.
SpaceX cũng tiến hành một số thí nghiệm với tàu Ship trong chuyến bay thứ 9 nhằm chuẩn bị để bắt bằng tháp phóng và tái sử dụng nhanh tầng trên trong tương lai. Ví dụ, công ty loại bỏ một số viên gạch chắn nhiệt của Ship để kiểm tra áp lực ở các khu vực dễ hư hỏng trên phương tiện trong quá trình hồi quyển. SpaceX cũng thử nghiệm vật liệu chắn nhiệt thay thế, bao gồm một loại có hệ thống làm mát chủ động.
SpaceX đang phát triển Starship, tên lửa lớn và mạnh nhất từng được chế tạo, để giúp con người định cư trên Mặt Trăng và Sao Hỏa, cùng nhiều nhiệm vụ khác. Hai tầng của phương tiện là tên lửa đẩy khổng lồ Super Heavy và tàu vũ trụ Starship cao 52 m, gọi tắt là "Ship". Cả hai đều được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn và nhanh chóng, hoạt động nhờ động cơ Raptor mới của SpaceX, 33 động cơ cho Super Heavy và 6 cho Ship.
Trong chuyến bay thứ 7 và 8, Super Heavy hoạt động hoàn hảo, hoàn thành đốt động cơ và trở về Starbase để thu thập bằng cánh tay "đũa gắp" của tháp phóng. Nhưng tàu Ship phát nổ chưa đầy 10 phút sau khi phóng trong cả hai nhiệm vụ, khiến mảnh vỡ trút xuống quần đảo Turks và Caicos và Bahamas. Một "phản ứng phối hợp" có thể đã dẫn đến rò rỉ nhiên liệu trong chuyến bay thứ 7 trong khi sự cố phần cứng ở động cơ Raptor là nguyên nhân phát nổ ở chuyến bay thứ 8. SpaceX đang nỗ lực giảm thiểu khả năng xuất hiện vấn đề như vậy ở các chuyến bay tương lai.
An Khang (Theo Space)