Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi Tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (đơn vị Vận động chính sách Y tế toàn cầu) Hoa Kỳ (Tổ chức CTFK/GHAI) tổ chức ngày 8/10 tại Hà Nội.

Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em

Chia sẻ tại buổi Tập huấn, TS Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Đuối nước là nguyên nhân gây ra trên 2,5 triệu ca tử vong có thế phòng ngừa được trong thập kỷ qua. Trong đó, nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới và hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

z59090128120403eaa873a1515b6bcbd88ad903935dd25-172844986479827783047.jpg

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Mỗi năm, gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Yếu tố nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em đó là trẻ chơi ở gần nước thiếu sự giám sát của người lớn và thiếu kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước; do sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ như phao, áo phao; thiên tai, thảm họa thiên nhiên…

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, những năm gần đây, số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, tuy nhiên, số ca tử vong vẫn cao. Nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi trẻ chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển, kể cả các vùng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.

Do đó, Cục trưởng Cục trẻ em nhấn mạnh, cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như: Dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tăng cường sự giám sát của người lớn.

Cùng với đó, truyền thông không chỉ dừng lại ở sự thương cảm với những trường hợp đuối nước mà phải giúp nâng cao nhận thức, cùng nhau hành động để giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em trong thời gian tới.

Đuối nước có thể dự báo và ngăn chặn được

z59090129337269823c0032f3cca13b6ab0b73e087c7e3-17284502357561445981115.jpg

TS Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ về 4 chiến lược và 6 can thiệp mà WHO đưa ra giúp phòng chống đuối nước

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia nhận định, đuối nước không diễn ra ngẫu nhiên, đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 4 chiến lược nhằm phòng chống đuối nước như: Xây dựng Kế hoạch phòng chống đuối nước quốc gia; tăng cường phối hợp đa ngành; nghiên cứu phòng chống đuối nước thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu; tăng cường nhận thức của người dân về đuối nước thông qua công tác truyền thông có chiến lược.

z5908537760670ae7e2ed9558dab27b2099fb461e0e276-17284498646291382847691.jpg

Các phóng viên, nhà báo cùng nhau thảo luận về các vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ em

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó có mục tiêu: 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong mỗi trường trong nước năm 2025 và 70% vào năm 2030;

50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, 6 can thiệp phòng chống đuối nước được WHO khuyến nghị bao gồm: Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non; làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước; dạy bơi và kỹ năng an toàn môi trường nước cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cả cấp độ địa phương và quốc gia; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy (tàu, thuyền, phà).

Chia sẻ cụ thể về các hoạt động giúp giảm thiểu tỷ lệ đuối nước ở trẻ em, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức CTFK/GHAI tại Việt Nam cho biết, theo kết quả can thiệp từ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam do Tổ chức CTFK/GHAI thực hiện, đã có 44.398 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn; 52.250 trẻ từ 6-15 tuổi được học kỹ năng an toàn dưới nước; 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em…

z5908537776117ea957ab1df4832ad300152ebaa08452a-17284498647671015331628.jpg

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Tổ chức CTFK/GHAI tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tập huấn

Tại chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ đuối nước, cần thiết phải đào tạo bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi; chuẩn hóa tài liệu và triển khai các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho công tác phòng chống đuối nước cho trẻ…

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của các ngành, đoàn thể, sự hiểu biết, nhận thức tốt của mỗi người; đồng thời, phát huy tối đa nguồn ngân sách và năng lực của các ngành chức năng trong công tác phòng chống đuối nước.

img-9430-4262-8738-1728450555246-1728450555587684127518.jpg

Phiên thảo luận về những thông tin sai lệch về đuối nước trẻ em

Đặc biệt, cần tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, bảo đảm an toàn và phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng; ao, hồ sông ngòi, biển là nơi không được sử dụng để bơi, tắm; lập các điểm trông trẻ trong mùa lũ lụt, mùa nước lên; làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước; làm rào chắn quanh ao, hồ sông ngòi…

Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; bảo đảm an toàn và phòng chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy.

z59090127385153ef64508bc58c862d3093a2a6bc054a6-17284506173812035110443.jpg

Chia sẻ tại Chương trình, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, để tạo ra một bài báo đạt hiệu quả ngoài nắm bắt ứng dụng chuyển đổi số, nhà báo cần chú ý trong cách tiếp cận và khai thác câu chuyện đuối nước của trẻ em trong xã hội. Theo đó, nhà báo phải có cái nhìn nhân văn và mang tính giải pháp. Những người làm báo cần cân bằng giữa thông tin, cảm xúc trong câu chuyện và bảo vệ quyền riêng tư, sự an toàn của trẻ em khi đưa tin. Từ đó, câu chuyện được truyền tải vừa có sức thu hút, sự chú ý nhưng vẫn mang tính nhân văn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022