Nhóm của tôi kinh doanh thực phẩm, chủ yếu bán online, có thương hiệu riêng và thường xuyên phải chụp ảnh, đăng bài trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiều người trong nhóm đang dùng máy cá nhân là iPhone, MacBook nhưng kế toán đang thuê bán thời gian vẫn dùng máy Windows.

Tôi muốn đầu tư một hệ thống để sử dụng lâu dài, có tính đồng bộ tốt, nghiêng về máy Mac hơn, nhưng lăn tăn kế toán nói phần mềm khó tương thích. Ngoài ra cũng chưa rõ các ưu nhược điểm khác phát sinh ra sao. Vậy xin hỏi chuyên gia, độc giả nhiều kinh nghiệm nên chọn hệ thống nào và ưu, nhược khi chọn toàn bộ là máy tính Mac.

Độc giả Duy Khánh

Tư vấn của chuyên gia:

Theo Daylite, với những người học cách sử dụng máy tính vào những năm 1990 hay 2000, thiết bị Windows gần như là hiển nhiên. Theo số liệu thống kê của Statcounter đầu 2025, thị phần hệ điều hành Windows có giảm nhưng vẫn chiếm hơn 70% toàn cầu trong khi macOS là khoảng 16%. Sự phổ biến của Windows với máy tính cá nhân cũng giúp duy trì vị thế của hệ điều hành này trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo báo cáo cuối năm 2024 của JumpCloud, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn máy tính Mac thay vì Windows PC, tỷ lệ sử dụng tăng từ 24% năm trước đó lên gần 30%. Báo cáo của BCG năm 2023 cũng cho thấy 84% công ty trong top đầu về đổi mới sáng tạo trên toàn cầu đang triển khai sử dụng máy tính Mac ở quy mô lớn.

Tại Việt Nam, Windows vẫn là lựa chọn an toàn với nhiều công ty bởi khả năng tương thích ứng dụng cao. Nhiều phần mềm đặc thù về kế toán, xây dựng chỉ có duy nhất phiên bản trên hệ điều hành Microsoft. Tuy nhiên, với một số startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) gần đây, chủ công ty cũng như nhân viên đa số là người trẻ - vốn đã quen sử dụng iPhone, MacBook - lại có xu hướng tìm đến hệ sinh thái Apple để tăng hiệu quả làm việc cũng như tiết kiệm chi phí về dài hạn.

Lợi thế về bảo mật và độ tin cậy

Từ lâu máy tính Mac được công nhận rộng rãi nhờ tính năng bảo mật. Hệ sinh thái khép kín của Apple kết hợp lớp bảo mật như Secure Enclave, Gatekeeper và XProtect giúp giảm thiểu rủi ro về phần mềm độc hại và tấn công mạng. Ngoài ra, macOS nhận được bản cập nhật thường xuyên và ít ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng trong quá trình nâng cấp.

a1-1746695734-8032-1746696527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_E3QDD-c7GgOI4nWbKmqvw

Máy tính Mac thường được các lập trình viên ưa chuộng. Ảnh: Duy Luân

"Từ quan sát của cá nhân về Apple trong nhiều năm qua, tôi nhận thấy Apple đang cực kỳ coi trọng vấn đề quyền riêng tư", Thomas Reed, Giám đốc mảng Mac&Mobile của công ty phần mềm bảo mật Malwarebytes nhận xét.

Tại buổi thảo luận về quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa gần đây, Nguyễn Ngọc Duy Luân, Giám đốc điều hành Elton Data, cũng cho rằng sự bảo mật và đề cao quyền riêng tư là lý do hàng đầu công ty anh chọn toàn bộ máy tính sử dụng là Mac.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng dù sử dụng Windows hay macOS, người dùng vẫn nên cài thêm các phần mềm bảo mật uy tín để tăng độ an toàn.

Tích hợp liền mạch với hệ sinh thái Apple

Apple nổi tiếng với hệ sinh thái khép kín nhưng đem đến trải nghiệm liền mạch, đồng bộ mà Windows hay Android khó có thể có được. Nếu làm việc cá nhân, người dùng hoàn toàn có thể nghe điện thoại, nhắn tin trên MacBook thông qua tính năng Handoff hay sao chép ảnh, văn bản trên điện thoại và lập tức dán được sang máy tính Mac, iPad nếu đăng nhập cùng iCloud. Phổ biến nhất là tính năng chia sẻ nhanh AirDrop hoạt động với tất cả thiết bị của Apple, hỗ trợ cả những tập tin lớn tới hàng GB.

a2-1746695922-4221-1746696527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-8kBYDMB2zv_3xWyPiDGAA

Nhiều startup hiện sử dụng điện thoại cho chụp hình sản phẩm và chỉnh sửa trực tiếp trên máy tính bảng, laptop. Ảnh: Tuấn Hưng

Ông Didier Maulana, nhà sáng lập chuỗi thời trang IKAT (Indonesia) cho rằng việc sử dụng chung hệ sinh thái thiết bị Apple giúp ích nhiều cho đội ngũ thiết kế đông đảo của công ty. "Mọi người có thể chia sẻ file và cùng làm việc qua cloud. Các góp ý, bình luận cũng được lập tức đồng bộ khiến mọi người không cần sử dụng thêm các ứng dụng nhắn tin bên ngoài", ông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Duy Luân cho rằng việc sử dụng toàn bộ thiết bị của một hãng dễ dàng hơn trong việc quản lý, tận dụng các tính năng riêng. Ví dụ, việc sử dụng đồng bộ máy Mac giúp Elton Data chọn được một nền tảng quản lý thiết bị (MDM) dễ dùng, tối ưu riêng cho Mac là Jamf. Công ty có thể triển khai xong MDM chỉ trong hai ngày, từ đoạn đăng ký đến thiết lập cho các nhân viên ở xa. Máy tính Mac, iPhone, iPad đều của Apple, hoạt động liên thông trong khi máy tính Windows và điện thoại Android lại từ các công ty khác nhau, khó có sự đồng bộ trơn tru tương tự.

Chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng tiết kiệm về dài hạn

Khoản đầu tư ban đầu cao là trở ngại lớn với nhiều công ty nhưng các thiết bị của Apple có xu hướng sử dụng được dài hơn, hiệu suất ổn định và thời gian cập nhật cũng lâu hơn. Chúng cũng thường có giá trị bán lại cao hơn, điều đem đến việc tiết kiệm chi phí trong dài hạn.

a3-1746695999-4773-1746696527.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X9uG37TVGpMvPqaqQQyHbQ

Các phần mềm chỉnh sửa ảnh, video, thiết kế được tối ưu tốt trên máy tính Mac. Ảnh: Tuấn Hưng

Đức Trần, Giám đốc điều hành của Ofélia, cho biết công ty khởi nghiệp của anh với nhiều nhân viên là người trẻ, hiện sử dụng toàn bộ các thiết bị của Apple, từ iPhone, iPad tới MacBook. Trong quá trình thiết kế, chụp ảnh mẫu sản phẩm, các nhóm chỉ mất vài giây để chuyển qua lại các tập tin quan trọng. Việc sử dụng điện thoại để chụp hình, iPad hỗ trợ vẽ, thiết kế các mẫu quảng cáo, sản phẩm giúp công ty tiết kiệm một phần mười, thậm chí một phần hai mươi so với thuê các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp bên ngoài.

Ngoài ra, anh cũng cho biết thiết bị của Apple thường có giao diện dễ sử dụng, giúp ngay cả nhân viên mới cũng dễ dàng làm quen mà không cần đào tạo quá chuyên sâu. Điều này càng phù hợp hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn thường không có bộ phận IT chuyên biệt.

Giới hạn với những phần mềm đặc thù

Máy tính Mac có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có điểm yếu khi không có một số phần mềm đặc thù cho các chuyên ngành cụ thể. Ví dụ các công ty thiết kế kỹ thuật, phần mềm AutoCAD đến giờ vẫn chưa có phiên bản cho macOS. Ngoài ra, các phần mềm giao dịch tài chính, chữ ký số, hệ thống lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (ERP) đều được thiết kế riêng cho Windows.

Theo Nguyễn Ngọc Duy Luân, việc sử dụng máy tính Mac cho toàn bộ doanh nghiệp cần kinh nghiệm xử lý với các vấn đề liên quan đến tương thích. Như với công ty anh, phần mềm chữ ký số đang sử dụng tại Việt Nam chỉ có phiên bản cho Windows. Để khắc phục, máy tính MacBook của kế toán được cài phần mềm máy ảo Parallels để sử dụng. Việc sử dụng không gặp rắc rối đáng kể bởi quy trình ký chủ yếu thực hiện qua trình duyệt, không yêu cầu hiệu năng cao.

Tuấn Hưng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022