Ve-tinh-Starlink-5391-1707908996.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PGdVN9b4gVGt35YAdy2_vg

Cụm vệ tinh Starlink trước khi triển khai trên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX

Trong thông báo hôm 12/2, SpaceX cho biết, công ty sẽ thực hiện việc hạ độ cao có kiểm soát với khoảng 100 vệ tinh Internet Starlink phiên bản 1 vì lo ngại chúng có thể bị hỏng trên quỹ đạo và không còn điều khiển được.

"Những vệ tinh này hiện vẫn có thể điều khiển được và đang phục vụ người dùng hiệu quả, nhưng nhóm phụ trách Starlink đã phát hiện một vấn đề chung trong nhóm vệ tinh nhỏ này có thể làm tăng khả năng hỏng hóc trong tương lai", SpaceX cho biết. Công ty không nêu chi tiết về vấn đề hay các vệ tinh cụ thể bị ảnh hưởng.

SpaceX đang có 5.438 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo trong tổng số 5.828 vệ tinh đã phóng tính đến nay, theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, người theo dõi các vệ tinh internet của SpaceX. Những vệ tinh lâu đời nhất vẫn còn trên quỹ đạo thuộc nhóm phiên bản 1, phóng lên không gian vào năm 2019 và 2020. Chúng thiếu tấm che (đã bổ sung cho các phiên bản sau) nhằm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời phản chiếu, giúp giảm độ sáng của chúng. Trong số 420 vệ tinh lâu đời này, 337 vệ tinh vẫn còn trên quỹ đạo.

SpaceX cho biết, các vệ tinh bị hạ độ cao sẽ giảm quỹ đạo dần dần trong khoảng 6 tháng. Tất cả chúng sẽ duy trì tính cơ động và khả năng tránh va chạm trong quá trình hạ độ cao. Các vệ tinh Starlink được thiết kế để có thể phân rã hoàn toàn, không gây rủi ro cho con người trên mặt đất, trên không hoặc trên biển trong quá trình rơi trở lại khí quyển và bốc cháy.

Việc loại bỏ vệ tinh cũ sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ băng thông rộng Starlink, theo SpaceX. "Trải nghiệm khách hàng của Starlink sẽ không bị ảnh hưởng khi các vệ tinh cũ hạ quỹ đạo. SpaceX có khả năng chế tạo tới 55 vệ tinh mỗi tuần và phóng hơn 200 vệ tinh mỗi tháng. Điều này cho phép chúng tôi liên tục cải tiến hệ thống và khiến nó linh hoạt hơn", công ty cho biết.

Thu Thảo (Theo Space News)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022