Giới chuyên gia cho rằng sóng thần hồ sẽ ngày càng phổ biến. Ảnh: CGS Graphics
Hiện tượng sóng thần hồ đang trở nên ngày càng phổ biến ở những nơi như Alaska, Mỹ và British Columbia, Canada, cũng như nhiều vùng khác có sông băng trên núi, theo IFL Science. Sóng thần hồ có thể được tạo ra theo nhiều cách. Tương tự sóng thần ở đại dương thường xảy ra do động đất bên dưới hoặc hoặc đáy biển, sóng thần hồ cũng có thể là kết quả từ hoạt động địa chấn. Khi hồ nước nằm bên trên hoặc gần đường đứt gãy, động đất có thể tác động tới lòng hồ và dịch chuyển một lượng nước khổng lồ, tạo ra sóng thần.
Chúng cũng có thể sinh ra do sạt lở đất, lở tuyết hoặc nứt vỡ sông băng, khiến lượng lớn mảnh vỡ rơi xuống vùng nước tương đối nhỏ, đẩy lượng nước dâng cao đáng kể. Sụp đổ châu thổ cũng nằm trong số nguyên nhân gây ra sóng thần hồ do cát và sỏi ở nơi hồ nước tiếp giáp với châu thổ sông rút đi. Ngoài ra, thay đổi trong khí quyển và các quá trình núi lửa có thể kích hoạt sóng thần hồ.
Dù hiện nay, phần lớn sóng thần hồ xảy ra ở địa điểm hẻo lánh nên ít đe dọa con người và cơ sở hạ tầng, dường như chúng có thể quay trở lại. Theo nhà địa chất học Bretwood Higman ở tổ chức Ground Truth Alaska, sóng thần hồ ở khu dân cư có thể trở nên phổ biến hơn, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Trong tình hình nhiệt độ tăng vọt, thúc đẩy sông băng và lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, sạt lở đất sẽ trở nên ngày càng phổ biến, dẫn tới khả năng xảy ra sóng thần hồ cao hơn. Tại Alaska, nhà địa chất học ước tính nguy cơ sóng thần hồ cao ở hồ Portage.
Bất kể xảy ra ở đâu, sóng thần hồ có thể gây ra thảm họa. Vào tháng 11/2020, một trận sạt lở lớn gây ra sóng thần hồ cao 100 m ở British Columbia. Khoảng 18 triệu m3 đá rơi thẳng xuống hồ sông băng, đẩy dòng nước cuồn cuộn tràn vào lạch Elliot và khu vực xung quanh, tàn phá đất đai. "Hãy tưởng tượng trận lở đất với khối lượng tương đương tất cả xe hơi ở Canada, di chuyển ở tốc độ 140 km/h khi quét qua hồ nước lớn", nhà địa mạo học Marten Geertsema mô tả vào năm 2022.
Trong trường hợp trên, thiệt hại chủ yếu rơi vào vùng rừng và khu vực đẻ trứng của cá hồi, nhưng sự kiện như vậy có khả năng xóa sổ nhà cửa và cơ sở hạ tầng, thậm chí gây chết người. Chẳng hạn, trận sóng thần ở hồ Michigan năm 1938 từng giết chết 5 người và khiến 27 người bị thương với ngọn sóng cao 3 m xuất hiện bất thình lình.
Trên thực tế, trận sóng thần cao nhất trong lịch sử với cơn sóng lên đến 524 m tràn qua Alaska vào năm 1958 xảy ra ở một vịnh hẹp.
An Khang (Theo IFL Science)