VNE-Turtle-JPG-2576-1668744768.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZkKbLs2Wcly_9JlDzkoo1A

Hình dáng của rùa biển Leviathanochelys aenigmatica. Ảnh: ICRA_Arts

Loài rùa cổ đại mới phát hiện ở Tây Ban Nha có thể là một trong những loài rùa biển lớn nhất từng sống trên Trái Đất, theo nghiên cứu công bố hôm 17/11 trên tạp chí Scientific Reports. Với chiều dài cơ thể ước tính 3,74 m, to ngang hà mã ngày nay, đây cũng là loài rùa biển lớn nhất được tìm thấy ở châu Âu cho tới nay.

Loài rùa biển lớn nhất trong lịch sử là chi Archelon đã tuyệt chủng, dài 4,6 m và nặng tới 3,2 tấn, sống ở vùng biển quanh lục địa Bắc Mỹ vào cuối kỷ Phấn Trắng. Ngược lại, không có loài rùa biển nào đã biết trước đây ở châu Âu, dù tuyệt chủng hay còn sống, có chiều dài mai vượt quá 1,5 mét.

Các nhà nghiên cứu Àngel H. Luján, Albert Sellés, và cộng sự đặt tên cho mẫu vật rùa biển mới là Leviathanochelys aenigmatica. Hóa thạch L. aenigmatica nằm ở Cal Torrades, đông bắc Tây Ban Nha, lớn gần bằng Archelon. Khai quật trong khoảng năm 2016 - 2021, hóa thạch này bao gồm xương chậu và một phần mai trên gần như hoàn chỉnh, có niên đại từ thời kỳ Campanian, cách đây 72,1 - 83,6 triệu năm.

Mẫu vật chứa phần xương đặc trưng nhô ra ở mặt trước xương chậu. Đặc điểm này rất khác các loài rùa biển, chứng tỏ L. aenigmatica đại diện cho một nhóm rùa biển cổ đại. Nhóm nghiên cứu cho rằng phần xương nhô ra có thể liên quan tới hệ hô hấp.

Dựa trên kích thước xương chậu, các nhà nghiên cứu ước tính L. aenigmatica có thể đạt chiều dài cơ thể 3,74 m. Chiều rộng tối đa phần xương chậu của chúng là 88,9 cm, hơi lớn hơn so với mẫu vật Archelon (81 cm). Chiều dài xương chậu từ trước ra sau là 39,5 cm, cũng lớn hơn một chút so với Archelon (46 cm).

Phát hiện trên chứng tỏ hội chứng khổng lồ ở rùa biển phát triển độc lập trên những nòi giống khác nhau ở cả Bắc Mỹ và châu Âu.

An Khang (Theo Phys.org)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022