Thông điệp được Phó thủ tướng nêu trong buổi thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) ngày 4/4. Buổi làm việc diễn ra sau gần một tháng việc tái cơ cấu và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương được Viện hoàn thành, giảm từ 38 xuống còn 24 đầu mối.

Theo Phó thủ tướng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ, xác định Viện Hàn lâm trở thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đây sẽ là viện nghiên cứu thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Ông cho rằng với yêu cầu nhiệm vụ mới, Viên cần sắp xếp bộ máy, lựa chọn và phát huy năng lực của những cá nhân, tập thể xuất sắc. Phải lựa chọn được những cá nhân, trưởng nhóm nghiên cứu có trình độ cao, có khả năng dẫn dắt các nghiên cứu khoa học có giá trị thời đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

ptt-nguyen-chi-dung-1743818236-1343-8071-1743820780.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PSXk-NIwbhWncD_rABPdMA

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Phương

Phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện, Phó thủ tướng nhắc tới các lĩnh vực chiến lược như công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học và vật liệu mới, lượng tử, bán dẫn, robot, xe tự hành, máy bay không người lái... Ông cho rằng "Cần tập trung vào công nghệ có lợi thế nhưng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài các công nghệ xu hướng mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội". Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi và công nghệ nguồn để tạo nền tảng tri thức, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn và thị trường như y tế, năng lượng, môi trường và công nghệ cao;

Phó thủ tướng cũng lưu ý việc chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nghiên cứu phát triển các khu thử nghiệm công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học của Viện. "Phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm trong 5 năm tới", ông nói.

Ông mong muốn Viện Hàn lâm tiếp tục phát huy tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám tiên phong" trong mọi hoạt động. Viện Hàn lâm sẽ đi đầu trong nghiên cứu cơ bản và làm chủ các công nghệ chiến lược, vượt qua mọi rào cản để tạo những bước đột phá quan trọng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng ghi nhận 50 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu, ứng dụng làm thay đổi cuộc sống từ những thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc đến giai đoạn xây dựng đất nước. Các công bố của Viện liên tục gia tăng (13% một năm), đóng góp 7-8% tổng công bố quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả giữa nghiên cứu và ứng dụng có thể xem là "hơi đuối", Thứ trưởng Định nói. Ông lý giải đại diện các đơn vị của Viện đã nêu về những kết quả cho thấy, có những sản phẩm tốt, nhiều công nghệ được coi là công nghệ lõi thuộc nhóm chiến lược đã được nhà khoa học làm chủ. Tuy nhiên việc kết nối các công nghệ này với đời sống và thị trường "còn là câu hỏi lớn để đánh giá hiệu quả đầu ra", Thứ trưởng nói. Các công nghệ này cần đi vào được các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để sản xuất ra sản phẩm, ứng dụng vào đời sống. Nếu không các kết quả vẫn "nằm trong hàng rào của Viện nghiên cứu và cách xa với doanh nghiệp", ông nói.

Thứ trưởng Định cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao xây dựng Nghị định quy định, tổ chức khoa học công nghệ có thể góp vốn tham gia thành lập và viên chức được tham gia điều hành doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu. "Đây là cơ hội để tạo ra các doanh nghiệp spin off của các đơn vị nghiên cứu, trả lời tính khả thi về thị trường công nghệ", ông nói.

tt-le-xuan-dinh-1743819888-174-8375-3071-1743820780.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wu76av4Rxh4tW84VkS5GYQ

Thứ trưởng Lê Xuân Định mong muốn có nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hoá. Ảnh: Nam Phương

GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, sau 50 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm hiện có khoảng 3.500 cán bộ nghiên cứu, trong đó có gần 250 giáo sư, phó giáo sư và gần 1.000 tiến sĩ. Lực lượng này đã đóng góp nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có giá trị. Nhiều công trình khoa học đã được ứng dụng mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.

Viện được đầu tư 10 phòng thí nghiệm trọng điểm giúp các nhà khoa học triển khai các vấn đề nghiên cứu cơ bản cốt lõi, có chất lượng cao, đồng thời chủ động trong các hoạt động phối hợp nghiên cứu quốc tế.

gs-chau-van-minh-1743820439-17-1333-8081-1743820781.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=udPmNiUhd5aBuiFcECKHPw

GS Châu Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Phương

Theo GS Minh, mỗi năm Viện có hơn 2.000 công trình khoa học được công bố. Nhiều nghiên cứu đã xuất hiện trên các tạp chí quốc tế danh giá với chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao, minh chứng cho chất lượng và tầm ảnh hưởng vượt biên giới.

Lãnh đạo Viện Hàn lâm kiến nghị được đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và một số phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu, phát triển một số công nghệ then chốt, công nghệ chiến lược: vũ trụ, lượng tử, vật liệu, tế bào gốc, công nghệ chỉnh sửa gene, công nghệ vaccine, AI, cảnh báo thiên tai...

Viện mong muốn được đóng tàu nghiên cứu biển để chủ động triển khai thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu biển và tiếp tục giao thực hiện Chương trình khoa học công nghệ Bbiển.

Minh Châu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022