Khi tôi viết những dòng này, cộng đồng những người yêu thích truyện tranh ở Việt Nam đang bày tỏ lòng tiếc thương khi hay tin hoạ sĩ Hùng Lân đột ngột qua đời ngày 9/5/2025 tại TP.HCM. Lịch sử đã lựa chọn ông trở thành nhân vật nổi bật của làn sóng thứ nhất của các tác giả truyện tranh Việt Nam sau 1975.
1. Thập niên 1990 là một quãng thời gian đặc biệt. Mọi mặt của đời sống bắt đầu thay đổi khi thị trường trong nước đón nhận các sản phẩm ngoại nhập, cũng như việc hướng cái nhìn ra thế giới của những người làm văn hóa nghệ thuật. Ngành xuất bản không nằm ngoài vận động chung đó.
Năm 1992, bộ truyện Đôrêmon được NXB Kim Đồng phát hành đã trở thành viên gạch đầu tiên mở đường cho truyện tranh nước ngoài tràn vào thị trường trong nước. Lần lượt, 7 viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan, Nhóc Marưko, Siêu quậy Teppi, Bác sĩ quái dị, Lucky Luke, Donald và bạn hữu v.v… trở thành những cái tên làm nức lòng độc giả nhỏ tuổi.
Truyện tranh ngoại nhập, đặc biệt là truyện tranh Nhật Bản, đã nhanh chóng áp đảo toàn bộ thị trường và đặt ra một câu hỏi hóc búa cho những người làm công tác xuất bản ở Việt Nam: Làm sao để truyện tranh Việt Nam, với những bất lợi thấy rõ khi đặt lên hệ quy chiếu cùng những nền truyện tranh phát triển khác, có thể cạnh tranh và xây dựng được chỗ đứng cho riêng mình?
Chân dung họa sĩ Hùng Lân (2000). Ảnh: FBNV
Vượt qua những trở ngại bởi định kiến xã hội, đặc biệt là quan điểm giáo dục khắt khe của phụ huynh và nhà trường lúc bấy giờ, câu hỏi ấy đã thực sự trở thành niềm khích lệ to lớn cho truyện tranh Việt Nam. Năm 1993, tác phẩm Dũng sĩ Hesman do họa sĩ Hùng Lân phóng tác từ bộ phim hoạt hình Voltro-Defender Of The Universe theo đơn đặt hàng của NXB Mỹ thuật Hà Nội chính thức ra mắt. Sau 4 tập đầu (Cuộc vượt ngục, Hesman xuất hiện, Mãng xà giả dạng, Lọ nước thần) phóng tác theo nội dung sẵn có, từ tập 5 (Dũng sĩ cụt tay), họa sĩ Hùng Lân bắt đầu tự mình sáng tác, dẫu cho trên lý thuyết, vai trò của ông vẫn là "phóng tác".
Việc mở rộng phạm vi nội dung sang những chuyến du hành trong vũ trụ bao la, đồng thời phát triển các mối quan hệ chồng chéo, nhằng nhịt trong hệ thống nhân vật đông đảo của 2 phe thiện ác, cũng như các nỗ lực làm mới về ngoại hình và phương pháp kể chuyện đã tạo nên sức hút to lớn cho Dũng sĩ Hesman.
Dường như, không có đứa trẻ nào lớn lên trong thập niên 1990 mà không đọc Đôrêmon, sau này trở về tới tên gốc là Doraemon. Và dường như không có đứa bé trai nào lớn lên trong thập niên 1990 mà không đọc Dũng sĩ Hesman. Số phận đã đưa đẩy 2 bộ truyện này gắn liền với nhau trong những năm tháng mà sau này được coi như thập kỷ hoàng kim của truyện tranh Việt Nam. Lịch sử mãi mãi ghi dấu Đôrêmon là tác phẩm khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất ở Việt Nam, và Dũng sĩ Hesman là tác phẩm khoa học viễn tưởng thành công nhất của Việt Nam. Hai bộ truyện là 2 phần không thể tách rời khi nói về sản phẩm văn hóa ngoại nhập và sản phẩm của tác giả nội địa đã trở thành những biểu tượng văn hóa đại chúng góp phần định hình nên bộ mặt của nền xuất bản Việt Nam trong nhiều năm về sau.

Họa sĩ Hùng Lân chụp ảnh cùng độc giả và cuốn “Dũng sĩ Hesman” tập 1, bản in lần đầu tiên năm 1993. Ảnh: Đặng Hào
2. Nói đến Đôrêmon là nói đến công tác dịch thuật, biên tập cả về nội dung lẫn hình thức của ê-kip NXB Kim Đồng, nổi bật là vai trò của họa sĩ Đức Lâm khi đã đưa thế giới hư cấu về các em nhỏ Nhật Bản trở nên gần gũi, thân thiện và thực sự bước vào đời sống của thiếu nhi Việt Nam. Quay sang Dũng sĩ Hesman, ta không thể không nhắc đến việc họa sĩ Hùng Lân đã thực hiện một bài tập lớn cho truyện tranh Việt Nam: Copycat. Nôm na, copycat là thuật ngữ chỉ những ấn phẩm bắt chước ý tưởng, nội dung, phong cách, hình thức hoặc chủ đề của một ấn phẩm đã có trước, thường là ấn phẩm nổi tiếng hoặc thành công với mục đích để ăn theo thành công của tác phẩm gốc, thu hút độc giả bằng cách tạo cảm giác quen thuộc hoặc tương tự.
Trong thập niên 1990, việc xuất bản Đôrêmon không có bản quyền, hay phóng tác Dũng sĩ Hesman cũng không có bản quyền từ Voltro-Defender Of The Universe như những gì đã xảy ra cần được nhìn nhận từ ít nhất 2 góc độ. Thứ nhất, đó là khi Việt Nam chưa gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, điều sau này trở thành hiện thực vào năm 2004. Tức là ở thời điểm ta đang nói tới, pháp luật Việt Nam không có ràng buộc nào đối với các cá nhân và đơn vị, mọi thứ còn ở trong thời kỳ mới chập chững bắt đầu. Thứ 2, tình trạng tự ý xuất bản hay thực hành copycat như vậy không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà là khắp các thị trường châu Á, từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), cho tới Thái Lan, Việt Nam v.v... trong các thập niên 1980, 1990. Thực trạng này tất nhiên không được các đơn vị sở hữu bản quyền ở các nước như Nhật Bản đồng tình, nhưng nó cho thấy một nhu cầu cấp thiết được học hỏi từ những nền truyện tranh lớn của các tập thể, cá nhân đến từ những nền truyện tranh đi sau.
Dũng sĩ Hesman xuất hiện vào thời điểm 1993 - 1997 giữa bối cảnh kể trên, đã đứng trên vai người khổng lồ nhưng không hề chết yểu hay sống lay lắt như những bộ truyện tranh Việt Nam cùng thời. Trái lại, thông qua những sáng tạo kỳ thú, họa sĩ Hùng Lân đã thổi hồn vào đứa con tinh thần của mình. Đơn cử như nhân vật Gátcô từ một người nô lệ ở hành tinh khỉ trở thành siêu nhân quan trọng bậc nhất bộ truyện, hay nhân vật Huy Hùng gốc Việt đã có lần về thăm Trái đất, thăm quê hương Việt Nam; và đặc biệt, tác giả loại bỏ hoàn toàn lối suy nghĩ theo khuôn khổ mà truyện tranh Việt Nam vướng phải trước đó: Truyện tranh dành cho trẻ em thì phải có nhân vật chính là trẻ em, và truyện tranh cho trẻ em thì không thể có những nội dung gai góc của thế giới người lớn. Chiến tranh, lòng thù hận, mưu ma chước quỷ, tình yêu, tình bạn, tinh thần hy sinh, lòng bác ái, sự sống và cái chết, tất nhiên là cả yếu tố khoa học viễn tưởng, bạn có thể tìm thấy tất cả trong Dũng sĩ Hesman.
Hoạ sĩ Hùng Lân đã chứng minh được rằng, truyện tranh Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp giữa tính giáo dục với tính giải trí và nét thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu đương thời, điều làm nên thành công nhãn tiền cho các bộ truyện tranh Nhật Bản.
Dũng sĩ Hesman đã vượt khỏi xuất phát điểm copycat ban đầu để trở thành một sản phẩm nội địa cực kỳ thành công, mang tính cách và tham vọng của người Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển và hội nhập.

Hoạ sĩ Hùng Lân chụp ảnh cùng độc giả. Ảnh: Đặng Hào
3. Không thể không nhắc đến cường độ làm việc vô cùng đáng ngưỡng mộ của họa sĩ Hùng Lân. Trong suốt 5 năm sáng tác Dũng sĩ Hesman, cùng với đội ngũ NXB Mỹ thuật Hà Nội, ông đã đều đặn cho ra lò mỗi tuần 1 tập, mỗi tập 72 trang đều như vắt tranh. Tổng cộng 159 tập truyện đã đến tay bạn đọc giữa thời buổi máy vi tính chưa phổ biến, thông tin liên lạc còn nhiều khó khăn, phương tiện làm việc và kỹ thuật in ấn đều rất hạn chế. Đó là một cường độ làm việc khủng khiếp, đủ để khiến tất cả các họa sĩ trước đây, hiện tại, và cả sau này phải cúi đầu kính nể. Họa sĩ Hùng Lân từng chia sẻ: "4, 5 năm liên tục như vậy, tôi không chết đã là may".
Những câu chuyện về quá trình sáng tác Dũng sĩ Hesman, rằng vợ con họa sĩ Hùng Lân đã tham gia vẽ phụ ông như thế nào, ông đã lao mình vào cho công việc ra sao v.v... đã được ông kể lại không ít lần trong các sự kiện về truyện tranh luôn được các thế hệ độc giả dành tình cảm yêu mến và đón đợi.
Bằng tinh thần làm việc quên mình như vậy, họa sĩ Hùng Lân đã đưa Dũng sĩ Hesman lên ngang hàng với Đôrêmon và các truyện tranh Nhật Bản khác trong thập niên 1990 ở yếu tố vô cùng quan trọng: Tính định kỳ. Bất chấp sự khập khiễng khi so sánh giữa việc phải tự mình thực hiện tất cả các khâu trong thời gian gấp rút, và các bộ truyện tranh nhập khẩu đã có sẵn, cho đến bây giờ, đó vẫn là điều không dễ lặp lại, và có lẽ sẽ không thể lặp lại giữa bối cảnh xã hội có quá nhiều đổi thay.
Lịch sử đã lựa chọn ông trở thành nhân vật nổi bật của làn sóng thứ nhất của các tác giả truyện tranh Việt Nam sau 1975. Xin được mãi mãi nhớ tới họa sĩ Hùng Lân như một huyền thoại đích thực. Những tác phẩm của ông, đặc biệt là Dũng sĩ Hesman, sẽ còn được nhắc đến bởi kỳ tích vươn mình mà ông đã chắp cánh cho ước mơ của rất nhiều thế hệ tác giả tiếp sau.
Vài nét về họa sĩ Hùng Lân
Sinh năm 1956 tại TP.HCM, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân là 1 trong những tên tuổi tiêu biểu của truyện tranh Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Bắt đầu sự nghiệp bằng các tác phẩm phóng tác, ông nhanh chóng khẳng định dấu ấn riêng qua nét vẽ mạnh mẽ, bố cục hiện đại và cảm quan nhân văn. Tên tuổi ông gắn liền với bộ truyện Dũng sĩ Hesman - một hiện tượng xuất bản kéo dài 160 tập từ năm 1992 đến 1997, góp phần định hình văn hóa đọc truyện tranh cho thế hệ 8X, 9X Việt Nam. Dù khởi đầu từ ý tưởng phóng tác, ông đã dần phát triển nhân vật Hesman theo hướng sáng tạo độc lập, mang đậm hơi thở Việt Nam.
Bên cạnh Hesman, Nguyễn Hùng Lân còn sáng tác nhiều bộ truyện nổi tiếng khác như Cô tiên xanh, Siêu nhân Việt Nam, X-Men Việt Nam, Tâm hồn cao thượng, Ngàn lẻ một đêm… với hàng trăm tập truyện được phát hành suốt những năm 1990, đầu 2000. Ông cũng là tác giả của 2 bộ font chữ Việt nổi bật là HL Comic và HL Thư pháp, được sử dụng rộng rãi trong thiết kế, xuất bản và truyền thông.