Quá trình giải cứu diễn ra hôm 3/4 tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Trước đó, để thuyết phục hai gia đình đồng ý bàn giao ba cá thể gấu, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Hạt Kiểm lâm số 5 đã nhiều lần xuống tận nơi tuyên truyền.
Những cá thể này có nguồn gốc hợp pháp, được nuôi nhốt lâu năm trước khi chủ nuôi quyết định chuyển giao vì mục đích nhân đạo.

Một trong ba cá thể gấu ngựa vừa được giải cứu. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á
Tổ chức Động vật Châu Á cho biết quá trình cứu hộ, gấu tự bước sang lồng đã đặt sẵn mật ong, sữa đặc, chuối chín và hoa quả khô. Ngay sau đó, các lồng chuyên dụng được chuyển lên xe tải để vận chuyển về Vườn quốc gia Bạch Mã ở Huế.
Để đảm bảo an toàn trong hành trình gần 800 km, đội cứu hộ đã cung cấp thực phẩm yêu thích như sữa đặc, mật ong, mứt, đồng thời kiểm tra sức khỏe và bổ sung nước cho gấu định kỳ mỗi 2-3 tiếng.
Ba cá thể gấu ngựa mới cứu hộ được đặt tên là Hoa (Bloom), Lộc (Bud) và Mầm (Sprout), thể hiện sức sống mạnh mẽ và niềm hy vọng vào một mùa xuân 2025 cho những khởi đầu tốt đẹp.
Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Bạch Mã là cơ sở mới do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ và vận hành, tới nay, 11 cá thể gấu ngựa được nuôi trong mô hình nuôi bán hoang dã.
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm Việt Nam, hiện còn khoảng gần 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước.
Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên. Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm.
Việt An