Nhóm nghiên cứu đến từ tập đoàn công nghệ sinh học vũ trụ Thần Châu và Viện Kỹ thuật Hệ thống Tàu vũ trụ Bắc Kinh công bố phát hiện về chủng vi khuẩn này trên tạp chí International Journal of Systematic and Evolutionary Microbiology.

Một phi hành gia của nhiệm vụ Thần Châu 15 làm việc bên ngoài trạm vũ trụ Thiên Cung năm 2023. Ảnh: CCTV
Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết, việc phát hiện Niallia tiangongensis là một phần của chương trình Vi sinh vật Khu vực sống Trạm Vũ trụ Trung Quốc (Champ) nhằm theo dõi sự thay đổi về vi sinh vật trong các nhiệm vụ dài hạn. Mẫu Niallia tiangongensis được thu thập vào tháng 5/2023, khi phi hành đoàn Thần Châu 15 làm việc trên trạm Thiên Cung.
Phi hành đoàn đã thu thập vi sinh vật từ bề mặt các module của trạm bằng khăn vô trùng trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng. Những mẫu này được đông lạnh và mang về Trái Đất. Các nhà khoa học sau đó phân tích chúng bằng phương pháp giải trình tự gene và phân tích chuyển hóa, từ đó phát hiện chủng vi khuẩn mới.
Niallia tiangongensis có những cơ chế độc đáo để thích nghi với môi trường không gian khắc nghiệt. Chúng có khả năng mạnh mẽ chống lại stress oxy hóa - sự mất cân bằng gây tổn hại cho tế bào, mô - và sửa chữa tổn thương do bức xạ.
Theo Interesting Engineering, việc phát hiện Niallia tiangongensis có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, hiểu cách chủng vi khuẩn này tồn tại ngoài không gian có thể giúp giới khoa học phát triển những chiến lược kiểm soát vi sinh vật với tiềm năng ứng dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực như công nghệ không gian, nông nghiệp, y học. Thứ hai, khả năng phân giải một số hợp chất hữu cơ của vi khuẩn mở ra những phương pháp mới, bền vững để chuyển đổi chất thải thành tài nguyên giá trị, cả ngoài không gian lẫn dưới Trái Đất.
Vi sinh vật sống sót trên các trạm vũ trụ nhờ thích nghi với điều kiện phức tạp như vi trọng lực, bức xạ và không gian giới hạn. Chúng được biết đến với sức bền, khả năng phục hồi và phát triển mạnh bất chấp môi trường khắc nghiệt.
CMSA lưu ý, những nghiên cứu trên trạm Thiên Cung sẽ mang đến nhiều phát hiện về hoạt động vi sinh vật, di truyền và chuyển hóa, từ đó phát triển thành các ứng dụng sáng tạo ở Trái Đất. SCMP cho biết, việc hiểu rõ đặc điểm của vi sinh vật trong các nhiệm vụ không gian dài hạn cũng giúp bảo vệ sức khỏe phi hành gia và duy trì độ tin cậy của hệ thống tàu vũ trụ.
Thu Thảo (Tổng hợp)