Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trước ngày 2/6 phải đưa ra biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu tuân thủ các quy định, nhất là không kiểm tra, giám sát, loại bỏ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên ứng dụng.

Trước yêu cầu này, nhiều ý kiến cho rằng "việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là cần thiết". Lý do, ứng dụng Telegram tiềm ẩn nhiều rủi ro về lừa đảo, chia sẻ nội dung độc hại và vi phạm pháp luật.

Anh Nhật Minh cho biết từng bị một nhóm giả danh đơn vị tổ chức cuộc thi toán học tiếp cận qua Facebook, sau đó chuyển sang Telegram. "Khi dẫn dụ chuyển sang kênh liên hệ khác là Telegram, tôi mới sập bẫy và bị lừa mất hơn 100 triệu đồng", anh nói.

Tính năng bảo mật cao và mã hóa đầu cuối được đánh giá là ưu điểm, nhưng cũng khiến Telegram trở thành nơi trú ẩn cho nhiều hoạt động bất hợp pháp. "Người dùng có thể xóa toàn bộ cuộc trò chuyện mà không cần sự đồng ý hay thông báo cho đối phương, giúp kẻ gian dễ dàng xóa dấu vết", một độc giả giấu tên nhận xét, thêm rằng, "cần loại bỏ Telegram nếu ứng dụng không giải quyết vấn đề".

IMG20250523172322-5446-1747996501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X4sXUgrLj7q2wn-fiYltqg

Một người dùng sử dụng ứng dụng Telegram. Ảnh: Trọng Đạt

Có cùng góc nhìn, theo Khánh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội), Nhà nước nên chặn Telegram "ngay và luôn" bởi ứng dụng rất nguy hiểm khi cho phép kẻ lừa đảo ẩn danh tính và thay đổi nhận dạng ngay lập tức. "Lừa xong, kẻ xấu chỉ cần bấm nút biến mất thì có trời mới tìm được", Vân dẫn chứng.

Đức Thịnh (Hoàng Mai, Hà Nội) từng là người sử dụng trung thành của Telegram, trước khi quyết định xóa ứng dụng. "Tôi bị mời vào rất nhiều nhóm có nội dung độc hại như bạo lực, ấu dâm, hàng cấm... Nó không khác gì một phiên bản khác của 'dark web'", anh nói, đồng thời bày tỏ ủng hộ quyết định chặn Telegram.

"Tôi thấy phần lớn các nhóm trên Telegram đều liên quan đến nội dung khiêu dâm, đánh bạc, thậm chí môi giới mại dâm", Quang Thái - một người dùng thường xuyên của ứng dụng chia sẻ. Theo anh, Telegram đang bị biến tướng và lợi dụng như một nơi hoạt động của các đường dây phạm pháp. Trước những nguy cơ từ các nội dung xấu, anh đồng tình với việc chặn ứng dụng.

Ở chiều ngược lại, cũng có người bày tỏ tiếc nuối bởi Telegram sở hữu nhiều ưu điểm như giao diện thân thiện, tốc độ nhanh, cho phép gửi tệp lớn và lưu trữ không giới hạn. "Tôi hy vọng các ứng dụng nhắn tin khác sẽ nhanh chóng phát triển để thay thế", Tuấn Khôi (TP HCM) nói.

Một số ý kiến cho rằng, hành vi lừa đảo có thể xảy ra trên bất kỳ nền tảng nào, do đó vấn đề cốt lõi vẫn là tăng cường quản lý, kiểm soát nội dung và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. "Cần tránh tư duy theo hướng không quản được thì cấm", Vũ Long, sống tại TP HCM nêu quan điểm.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã nhiều lần có văn bản gửi tới cơ quan chủ quản của Telegram yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo, theo quy định của pháp luật về viễn thông. "Zalo, Viber, Facebook Messenger, Whatsapp đều đã thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông, chỉ riêng Telegram không chấp hành", đại diện Cục Viễn thông nói.

Trọng Đạt

  • Nhà mạng phải chặn Telegram tại Việt Nam
  • Facebook hạn chế hiển thị bài đăng 'lách luật'
  • Meta được đề nghị sớm thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022