Những ngọn núi hình kim tự tháp ở Quý Châu. Ảnh: Weibo
Nằm giữa quang cảnh xanh tươi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, là một loạt ngọn núi cực giống kim tự tháp Ai Cập. Hình ảnh thu hút sự chú ý của nhiều người sử dụng mạng xã hội trên khắp thế giới và dấy lên một cuộc tranh cãi. Một số người suy đoán ngọn núi ở huyện An Long ẩn chứa lăng mộ của các hoàng đế cổ đại trong khi người khác tin chắc chúng được tạo ra bởi thế lực bí ẩn nào đó, Global Times hôm 21/3 đưa tin.
Tuy nhiên, giáo sư Zhou Qiuwen, nhà địa chất học ở Đại học Sư phạm Quý Châu, cung cấp giải thích khoa học phía sau sự hình thành của những ngọn núi đặc biệt trên. Theo Zhou, loạt "kim tự tháp" tự nhiên ở huyện An Long không phải do con người xây dựng hay lăng mộ cổ đại. Thay vào đó, chúng là minh chứng cho sự kỳ diệu của tạo hóa.
Tỉnh Quý Châu nằm ở tây nam Trung Quốc nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và phong cảnh đa dạng. Độ cao trung bình của tỉnh vào khoảng 1.100 m với 92.5% diện tích là đồi núi. Khu vực có nhiều dãy núi với đỉnh dốc và thung lũng sâu, trải dài khắp tỉnh.
Đặc trưng của tỉnh miền này là địa hình karst, hình thành từ đá carbonate dễ hòa tan. Ngọn núi hình nón là kết quả khi các thành hệ đá bị hòa tan. Sự xói mòn theo chiều thắng đứng của nước dẫn tới những khối đá trải rộng ban đầu bị phân đoạn thành từng tảng đơn lẻ. Khi quá trình xói mòn tiếp diễn, đá trên đỉnh bị hòa tan đáng kể, trong khi đá ở dưới chân núi ít bị ảnh hưởng hơn. Kết quả là ngọn núi có phần đỉnh nhọn sắc cạnh và chân rộng hơn.
Tương tự, hình dạng phân lớp của ngọn núi liên quan tới đặc điểm của đá. Núi ở Quý Châu hình thành từ đá dolomite có niên đại hơn 200 triệu năm, từ thời kỳ khu vực chủ yếu chìm dưới nước. Loại đá này hình thành ở biển, khi khoáng chất hòa tan trong nước và kết tinh thành đá rắn. Do thay đổi định kỳ của khí hậu, cấu trúc địa chất và nhiều yếu tố môi trường khác, quá trình hình thành đá nhiều lần bị gián đoạn và bắt đầu lại. Điều đó tạo ra loại đá có nhiều lớp rõ ràng.
Theo Zhou, các lớp trên mặt đá cũng là kết quả gọt đẽo của xói mòn tự nhiên. Một số bề mặt đá ban đầu có vết nứt nhỏ. Nước xói mòn giữa khe nứt không đủ mạnh để hòa tan toàn bộ khối đá nhưng đủ để làm phân đoạn, tạo ra hình dạng giống nhiều lớp xếp chồng.
An Khang (Theo Global Times)