nasa-thu-nghiem-dong-co-ten-lua-kich-no-xoay-1703822696.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=83zpo7a8xPE13cmo8NAdQA
NASA thử nghiệm động cơ tên lửa kích nổ xoay

Động cơ tên lửa kích nổ xoay in 3D của NASA chạy thử thành công. Video: NASA

NASA đang thúc đẩy công nghệ tên lửa mới mang tính cách mạng hóa ở Trung tâm bay vũ trụ Marshall tại Huntsville, Alabama. Các kỹ sư tại cơ sở khai hỏa Động cơ tên lửa kích nổ xoay (RDRE) in 3D trong thời gian kỷ lục 251 giây với lực đẩy 2.631 kg, New Atlas hôm 28/12 đưa tin.

Trong hơn 6 thập kỷ, NASA dựa vào tên lửa hóa học để phóng các phương tiện vào vũ trụ. Tên lửa hóa học đang hoạt động ở ngưỡng gần với giới hạn lý thuyết từ năm 1942. Ngoài ra, phần lớn tên lửa nhiên liệu lỏng không thay đổi về thiết kế cơ bản từ thời tên lửa V2 của Đức. Để tăng thêm hiệu suất của động cơ tên lửa, NASA đang xem xét một thiết kế khác biệt với RDRE.

Thay vì dùng buồng đốt, trong đó nhiên liệu và oxy được nạp vào để cháy ở tốc độ nhỏ hơn vận tốc âm thanh, ở RDRE, chúng được đưa vào khe giữa hai xylanh đồng trục. Khi hỗn hợp này bắt lửa, chúng hình thành phản ứng và sóng xung kích. Sóng đó di chuyển bên trong khe ở tốc độ siêu thanh, sản sinh nhiều nhiệt và áp suất hơn. Nếu có thể duy trì quá trình đốt, nó sẽ tạo ra lực đẩy tên lửa hiệu quả hơn hẳn. Trên thực tế, NASA cho biết thử nghiệm mới nhất đủ mạnh và lâu để đáp ứng những yêu cầu nhằm hạ cánh tàu đổ bộ hoặc đốt động cơ trong không gian sâu cho nhiệm vụ tới Mặt Trăng hoặc sao Hỏa.

Tuy nhiên, NASA nhấn mạnh công nghệ vẫn chưa hoàn thiện. Những thử nghiệm khai hỏa kiểu này rất cần thiết để tăng quy mô buồng đốt cho các mức lực đẩy khác nhau. Nếu thành công, RDRE có thể hoạt động trên trạm đổ bộ, tầng đẩy bên trên và cung cấp lực đẩy ngược để đưa thiết bị lớn lên bề mặt sao Hỏa.

"RDRE cho phép tạo ra bước tiến khổng lồ trong hiệu suất thiết kế", Thomas Teasley, kỹ sư thiết bị buồng đốt ở Marshall chia sẻ. "Nó chứng minh chúng ta đang tiến gần hơn đến chế tạo hệ thống đẩy nhẹ giúp đưa nhiều hàng hóa và thiết bị hơn vào không gian sâu, một phần thiết yếu trong kế hoạch bay tới Mặt Trăng và sao Hỏa của NASA".

An Khang (Theo New Atlas)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022