Các nhà khoa học NASA chỉ dùng số Pi với 16 chữ số sau dấu phẩy. Ảnh: Live Science
Vào ngày số Pi 14/3, Solidigm, công ty Mỹ ở California, thông báo họ đã tính toán số Pi tới 105 nghìn tỷ chữ số sau dấu phẩy, theo Live Science. Quá trình tính toán mất 75 ngày để hoàn thành và sử dụng tới một triệu gigabyte dữ liệu, lập kỷ lục mới về tính toán hằng số bất tận này. Số Pi (ký hiệu π) là hằng số toán học có giá trị bằng tỷ số giữa chu vi của một đường tròn với đường kính của đường tròn đó. Số Pi không có giá trị chính xác, thường lấy ở dạng xấp xỉ là 3,14 để tiện tính toán. Tìm ra số Pi dài hơn từ lâu đã trở thành thách thức đối với các nhà toán học và khoa học vi tính nghiệp dư và chuyên nghiệp, đòi hỏi công suất tính toán tương đương hàng trăm nghìn chiếc điện thoại thông minh.
Việc tìm ra dãy chữ số phía sau dấu phẩy của số Pi không có tác động thực sự với toán học bởi những phép tính hiếm khi đòi hỏi nhiều hơn vài chục chữ số. Ví dụ, các nhà khoa học NASA chỉ cần dùng 16 chữ số đầu tiên sau dấu phẩy của số Pi để thực hiện phần lớn nghiên cứu về vũ trụ. Thay vào đó, tính toán con số tới giá trị chính xác nhất từ lâu được sử dụng như một tiêu chuẩn để kiểm tra chương trình máy tính mới và hệ thống lưu trữ dữ liệu.
Để so sánh, nếu bạn gõ số Pi mới lên giấy theo hàng liên tục và sử dụng font cỡ 10, con số sẽ dài khoảng 3,7 tỷ km, có nghĩa nó có thể kéo dài từ Trái Đất tới đâu đó giữa sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Quá trình tính toán được thực hiện với 36 ổ cứng (SSD) độc quyền của công ty, lưu trữ tổng cộng khoảng một petabyte (một triệu gigabyte) dữ liệu. Bộ xử lý cũng cần tiến hành tính toán với nhiều bộ phận mạnh hơn để giảm thời gian. Tuy nhiên, ổ lưu trữ công suất lớn và đáng tin cậy quan trọng hơn do cần lưu lượng dữ liệu khổng lồ trong suốt quá trình.
Theo Brian Beeler, chủ công ty Solidigm, đây là một thành tựu lớn. Vào tháng 4/2023, Solidigm tính toán số Pi với 100 nghìn tỷ chữ số sau dấu phẩy, kỷ lục mà Google Cloud đạt được năm 2022. Trước đó, kỷ lục là 62,8 nghìn tỷ chữ số, được tính trong 108 ngày bởi một siêu máy tính ở Đại học Khoa học ứng dụng Grisons tại Thụy Sĩ năm 2021. Sử dụng não người, kỷ lục thế giới hiện nay đối với số Pi có nhiều chữ số sau dấu phẩy nhất (70.000 số) được thiết lập bởi Rajveer Meena ở Đại học VIT tại Ấn Độ vào ngày 21/3/2015, theo sách kỷ lục thế giới Guinness World Records.
An Khang (Theo Live Science)