Chan-thu-KL-bai-1695-1671684738.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hmz8FwaK6dtl6TwkEZaKGA

Hóa thạch bàn chân động vật có vú trong lồng ngực khủng long Microraptor Ảnh: PA

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch bàn chân của động vật nằm trong lồng ngực một con khủng long nhỏ có lông vũ thuộc chi Microraptor, có niên đại 120 triệu năm, Guardian hôm 21/12 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Vertebrate Paleontology.

"Rất hiếm khi tìm thấy vết tích thức ăn trong khủng long. Do đó, mọi vết tích đều vô cùng quan trọng, cung cấp bằng chứng trực tiếp về những gì chúng đã ăn", tiến sĩ David Hone tại Đại học Queen Mary (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

"Loài động vật có vú này chắc chắn không phải tổ tiên con người, nhưng qua đó chúng ta có thể tìm hiểu về một số họ hàng cổ xưa từng là bữa ăn cho những con khủng long đói bụng. Nghiên cứu mới giúp vẽ nên bức tranh về một khoảnh khắc thú vị - trường hợp đầu tiên được ghi nhận về khủng long ăn thịt động vật có vú", ông nói thêm.

Trước đó, giới khoa học từng ghi nhận các hóa thạch Microraptor khác với thức ăn không phải động vật có vú lưu lại trong dạ dày, ví dụ như chim, thằn lằn, cá.

Microraptor sống trong những khu rừng cổ xưa ở nơi ngày nay là Trung Quốc, cách đây khoảng 113 - 125 triệu năm. Chúng di chuyển bằng hai chân, nhưng giới chuyên gia tin rằng một số loài thuộc chi khủng long này có khả năng bay. Chúng có kích thước tương đương quạ hoặc mèo, di chuyển từ cây này sang cây khác để săn những con mồi nhỏ.

Mẫu vật từ Trung Quốc được mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 2000, nhưng nhóm nghiên cứu khi đó đã không phát hiện dấu tích của loài vật khác bên trong khủng long. Theo phân tích mới của Hone cùng các đồng nghiệp, con mồi là một loài động vật có vú lớn tương đương chuột, sống trên mặt đất và không giỏi leo trèo.

Thu Thảo (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022