"Chúng tôi đang khám phá cách tiếp cận mới từ mùa hè năm ngoái. Khi tham gia hệ sinh thái gồm nhà xuất bản, nhà phát triển, cơ quan quản lý và ngành quảng cáo, rõ ràng có nhiều quan điểm khác nhau về những thay đổi có thể ảnh hưởng đến cookie", Anthony Chavez, Phó chủ tịch sản phẩm của Google, viết trên blog ngày 22/4. "Do đó, chúng tôi quyết định duy trì cách tiếp cận hiện tại, tức cung cấp cho người dùng tùy chọn cookie của bên thứ ba trong Chrome, đồng thời không triển khai lời nhắc độc lập mới cho cookie của bên thứ ba".

Minh họa một người dùng sử dụng trình duyệt Chrome trên laptop. Ảnh: CoinTelegraph
Khi sử dụng trình duyệt Chrome, website bên thứ ba sẽ lưu trữ cookie - công cụ theo dõi hành vi của người dùng trên Internet - để gia tăng trải nghiệm dịch vụ. Một số trang sẽ thông báo và đề xuất người dùng chọn chấp nhận hoặc từ chối, nhưng cũng có website thu thập mặc định. Để xóa cookie sau mỗi lần duyệt web, có thể vào Cài đặt > Quyền riêng tư và bảo mật > Cookie của bên thứ ba > Xóa cookie.
Từ năm 2019, bộ phận của Chavez triển khai sáng kiến Privacy Sandbox nhằm tăng cường quyền riêng tư trực tuyến. Năm ngoái, công ty cam kết loại bỏ cookie bên thứ ba, nhưng sau đó hủy kế hoạch.
Theo Forbes, bài viết mới từ Chavez cho thấy Google chưa thể từ bỏ cookie. "Đây là thảm họa đối với quyền riêng tư của ba tỷ người dùng Chrome. Ngoại trừ ngành quảng cáo, không ai thích hoặc muốn bị cookie theo dõi", tạp chí này bình luận.
DigiDay gọi bài viết của Chavez là "diễn biến gây sốc", vì Google sẽ không triển khai lời nhắc độc lập cho cookie bên thứ ba trong Chrome. Nghĩa là, các công ty vẫn có thể sử dụng công nghệ theo dõi quảng cáo nhắm mục tiêu.
"Chavez đảm bảo với người dùng Chrome rằng họ có thể bảo vệ bản thân trong mục Cài đặt bảo mật. Nhưng trong một thế giới mà Chrome bị chỉ trích là trình duyệt tệ nhất về quyền riêng tư và theo dõi người dùng, mọi thứ sẽ không thay đổi. Google đang phải vật lộn để cân bằng lợi ích của ngành quảng cáo, cơ quan quản lý và người dùng", trang này bình luận.
Ad Age nhận định động thái mới của Google đánh dấu "sự đảo ngược hoàn toàn" kế hoạch kéo dài 5 năm trong việc loại bỏ dần trình theo dõi Internet - thứ vốn đã trở thành biểu tượng của sự xâm phạm quyền riêng tư trong nền kinh tế quảng cáo.
Trong bài viết, Chavez nhắc đến Chế độ ẩn danh (Incognito Mode) của Chrome như lựa chọn để duyệt web không bị thu thập dữ liệu. Mặc định, chế độ này chặn cookie của bên thứ ba, nhưng từng bị kiện năm 2020 vì vẫn theo dõi người dùng. Vụ kiện sau đó đạt thỏa thuận sơ bộ năm 2023 và Google phải hủy dữ liệu liên quan vào năm ngoái.
Việc tiếp tục duy trì cookie trên Chrome diễn ra sau quyết định khôi phục tính năng Dấu vân tay kỹ thuật số (Digital Fingerprinting) hồi tháng 2. Không chỉ trên Chrome, chức năng này còn mở rộng sang thiết bị khác như máy chơi game hay TV.
Digital Fingerprinting là tính năng kết hợp nhiều "tín hiệu" dữ liệu người dùng thu thập trên thiết bị, được đánh giá có khả năng xây dựng hồ sơ "vượt ra ngoài các trang web để xác định một người, mọi thứ họ thích và có thể mua".
Ad Exchanger cảnh báo, việc triển khai trở lại Digital Fingerprinting có thể gây nguy hại hơn cookie. "Người dùng không thể dễ dàng xóa dữ liệu trên Internet của mình khi chúng được thu thập qua Dấu vân tay kỹ thuật số", trang này bình luận. "Ngay cả khi bạn 'xóa tất cả dữ liệu trang web', kỹ thuật này vẫn có thể ngay lập tức xác định lại bạn. Điều này không minh bạch và không dễ kiểm soát do khó bị trình duyệt chặn hơn, ngay cả với người dùng có ý thức về quyền riêng tư".
Google chưa đưa ra bình luận.
Chrome hiện đối mặt với nguy cơ bán mình sau phán quyết độc quyền tìm kiếm tháng 8/2024. Phiên xử diễn ra tuần này sẽ xác định các giải pháp áp dụng cho Alphabet, công ty mẹ Google, trong đó có thể gồm việc chia tách hãng này thành nhiều công ty nhỏ - nếu xảy ra sẽ làm thay đổi lớn ở lĩnh vực quảng cáo trực tuyến mà Google thống trị trong nhiều năm.
Bảo Lâm
- Giám đốc ChatGPT nói sẽ mua Chrome nếu có cơ hội
- Google bị kiện vì buộc các hãng điện thoại cài sẵn Chrome khi bán