giun-tron-set-8149-1709869337.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ODmwc0rChflsBjvN4rrIKw

Giun tròn tiếp xúc với phóng xạ trong Vùng cấm Chernobyl không có dấu hiệu tổn hại gene. Ảnh: Sophia Tintori/NYU

Những con giun tí hon sống trong môi trường có tính phóng xạ cao của Vùng cấm Chernobyl dường như phát triển được sức mạnh mới - miễn dịch với phóng xạ, Independent hôm 7/3 đưa tin. Vùng cấm Chernobyl là khu vực rộng 2.700 km2 được thiết lập xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, nơi xảy ra vụ cháy nổ khiến bụi phóng xạ phun ra khí quyển năm 1986.

30 công nhân thiệt mạng ngay sau thảm họa, nhưng trong dài hạn, số người chết do nhiễm độc phóng xạ ước tính lên tới hàng nghìn. Theo báo cáo của Nghị viện châu Âu, vụ nổ đã phun vào khí quyển lượng phóng xạ gấp 400 lần mức của bom nguyên tử Hiroshima, bụi phóng xạ hạt nhân cũng trút xuống một khu vực rộng lớn thuộc châu Âu. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Từ năm 2011, các nhà quản lý khu vực cho rằng vùng cấm đã có thể ghé thăm nếu tuân theo hướng dẫn. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tới Chernobyl để nghiên cứu giun tròn (hay tuyến trùng) - loại giun tí hon với cấu tạo gene đơn giản và có khả năng sinh sản nhanh chóng.

Nhóm chuyên gia thu thập giun từ các mẫu đất, hoa quả thối rữa và một số vật liệu khác, đồng thời kiểm tra mức độ phóng xạ địa phương. Sau đó, họ mang giun về Đại học New York để đông lạnh và nghiên cứu.

"Chernobyl là một thảm họa có quy mô khó tin và chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ tác động của sự kiện này đến những quần thể địa phương. Có phải sự thay đổi môi trường đột ngột đã chọn ra những loài, hoặc thậm chí các cá thể trong một loài, với khả năng kháng phóng xạ ion hóa tự nhiên tốt hơn?", tiến sĩ Sophia Tintor tại Đại học New York, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Trước đây, giới khoa học cũng từng phát hiện một số sinh vật sống trong Vùng cấm Chernobyl có sự khác biệt về gene với đồng loại sống ở nơi khác. "Giun tròn hiện diện khắp nơi và sống rất nhanh, vì vậy, chúng có thể trải qua hàng chục thế hệ tiến hóa trong khi một loài động vật có xương sống thông thường mới đang khởi động", Matthew Rockman, giáo sư sinh học tại Đại học New York, nói.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học đã kiểm tra mức độ tổn hại ADN của 20 giống giun khác nhau về gene. Họ nhận thấy, dù sống ở nơi có lượng phóng xạ cao, bộ gene của chúng vẫn không bị tổn hại. Phát hiện mới không đồng nghĩa Chernobyl đã an toàn mà cho thấy giun tròn là những sinh vật dẻo dai, có thể thích nghi và chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt, Tintori nhận định.

Thu Thảo (Theo Independent)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022