Ngày 17-10, Đại học (ĐH) Huế đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 với sự tham gia của hàng ngàn sinh viên.
ĐH Huế hiện có 13 đơn vị đào tạo, gồm 8 trường ĐH thành viên, 1 phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị, trường du lịch và 3 khoa trực thuộc. Bên cạnh đó còn có hệ thống các viện nghiên cứu, trung tâm, nhà xuất bản với quy mô 150 ngành đào tạo trình độ ĐH, 108 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 55 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo hơn 40.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 6.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Tuyển sinh năm 2023 hiện đã có khoảng 11.500 sinh viên nhập học, đạt gần 90% chỉ tiêu.
PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế, khẳng định ĐH Huế không chỉ là trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước mà còn là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu khi có đầy đủ các ngành đào tạo chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực.
PGS-TS Lê Anh Phương (bìa trái) và Hiệu trưởng Trường ĐH Luật - ĐH Huế (bìa phải) trao phần thưởng cho tân sinh viên là thủ khoa Trường ĐH Luật
Trong bối cảnh một số chế độ chính sách của nhà nước, của ngành chưa đổi mới kịp thời với thực tế, chủ trương xây dựng ĐH Huế theo mô hình ĐH vùng chưa gắn liền với các chính sách đầu tư, chưa tạo điều kiện cho ĐH Huế phát triển theo cơ chế mới. Cụ thể như đầu tư công giảm, cơ sở học tập và nghiên cứu thiếu, chưa tiên tiến, trong khi đòi hỏi của xã hội là công nghệ mới, hiện đại. Mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với tư cách là một cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các đơn vị thành viên.
Ngày 24-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu là phát triển ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á; hoàn thiện khu đô thị ĐH Huế với đầy đủ công năng, phát triển Trường ĐH Y - Dược Huế theo mô hình "trường – viện" cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế.
-
THỪA THIÊN - HUẾ TIẾN LÊN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (*): Thực hiện tổng lực nhiều giải pháp
Hiện, ĐH Huế đã hoàn thiện Đề án phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia theo Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ GD-ĐT xem xét.
Ông Phương cho rằng khi trở thành ĐH quốc gia thì cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Huế sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.
Khi đó ĐH Quốc gia Huế sẽ tạo động lực, thu hút con em khu vực miền Trung - Tây Nguyên về Huế học tập, khắc phục được các tác động tiêu cực đối với các đô thị lớn; thu hút các nhà giáo, nhà khoa học ưu tú trong và ngoài nước để góp phần đầu tư, xây dựng Thừa Thiên - Huế. Đây là vấn đề chiến lược của đất nước không chỉ đối với đào tạo mà là quốc sách để các tỉnh miền Trung phát triển bền vững.