Thông tin được ông Trí đề xuất tại phiên tọa đàm "Liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư" diễn ra chiều 19/12 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Giải thưởng VinFuture.
Tại đây các nhà khoa học thế giới đã chia sẻ nhiều giải pháp tiên tiến trong điều trị bệnh ung thư. Trong đó GS Je-Jung Lee, CEO Vaxcell Bio, Hàn Quốc, nói về giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer – NK) được nhóm nghiên cứu từ 2010.
Theo liệu pháp này, người bệnh được truyền tế bào NK và HAIC nhằm kích hoạt và phát hiện tế bào ung thư và tiêu diệt. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy cho thấy tỷ lệ phản hồi tích cực lên 66,7% và tỷ lệ thích nghi tới 100%.
Kết quả điều trị sau 4 tuần, dấu hiệu tế bào ung thư ác tính gần như biến mất, và kết quả ổn định trong 3 năm. GS Lee thông tin. Nghiên cứu này được công bố trong tạp chí quốc tế về miễn dịch. Nghiên cứu sơ bộ thấy liệu pháp sử dụng tế bào NK là an toàn và xây dựng thành mô hình để mở rộng trong điều trị bệnh nhân. Trong thử nghiệm Vax-NK, tế bào ung thư cũng giảm thiểu cả hai trường hợp so với trước khi tiêm NK.
"Hiện chúng tôi đang chuẩn bị tiền lâm sàng cho tế bào NK ở các bệnh nhân sử dụng liệu pháp truyền tế bào miễn dịch tự nhiên", ông cho biết.
GS Je-Jung Lee nói về các giải pháp điều trị ung thư tại sự kiện chiều 19/12. Ảnh: Phương Linh
GS Bruce Levine, Đại học Pennsylvania, Mỹ, giới thiệu phương pháp sử dụng các tế bào miễn dịch đặc hiệu nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Ông dẫn câu chuyện về em bé Emily hồi tháng 4/2010, thực hiện hóa trị với lượng hóa chất có thể giết chết người trưởng thành. Chỉ 1/3 trẻ em hóa trị có thể sống sót và Emily đã may mắn sống sót dù thận tổn thương nặng. Nhóm tiếp nhận trường hợp, tiến hành đưa T cell vào. Ông cho biết trong 23 ngày đã diệt sạch hoàn toàn tế bào ung thư. Emily hiện học cấp 3 và "thoát bóng" khỏi ung thư 10 năm qua.
Lý giải về cơ chế, GS Bruce cho hay, công cụ tiên tiến để thiết kế các tế bào T giúp nhận biết các tế bào mong muốn. Tế bào CAR T sẽ chọc thủng lỗ tế bào ung thư và tế bào ung thư nổ tung. CAR T được ví như thuốc sống và truy tìm và diệt tế bào ung thư. CAR T được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, cô lập tế bào mong muốn, đưa virus bất hoạt, không gây hại cơ thể vào, rồi nuôi cấy ngoài cơ thể trong 9-10 ngày và sau đó đưa vào thu hoạch, bảo quản. "9 ngày trước chúng tôi đưa ra kết quả nghiên cứu và thử nghiệm trên 8 bệnh nhân, thu được tỷ lệ phản hồi: 100% tỷ lệ đáp ứng và 57% đáp ứng hoàn toàn", ông thông tin.
Cũng theo GS Bruce, năm 2023 sẽ thấy sự cải tiến đáng kể trong 2-3 liệu pháp, như điều trị bằng T cell và sử dụng virus. Ông cho biết các nhà khoa học Đức có nghiên cứu mạnh về tế bào T, đặc biệt là một số ca điều trị ung thư ở nữ giới. Khẳng định có thách thức nhất định, như phân tách giữa tế bào ung thư mục tiêu với tế bào thường, liều lượng sử dụng thuốc, hiệu lực thuốc theo thời gian, song ông cho rằng tương lai gần sẽ có một số công trình được công bố.
GS Bruce Levine chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Phương Linh
Các nhà khoa học cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ hỗ trợ có thể ứng dụng trong xây dựng chiến lược chống ung thư. TS Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành y khoa - pháp quy - đảm bảo chất lượng tại AstraZeneca Việt Nam, cho hay các thử nghiệm lâm sàng cũng như giải pháp giúp phát hiện ung thư sớm. Nhóm nghĩ đến mô hình kết hợp phương pháp khác nhau nhằm tìm hiểu cơ chế về tác động phụ trong điều trị.
Một công nghệ khác nữa là sử dụng AI và dữ liệu lớn, máy học, ví dụ ứng dụng AI trong huấn luyện tần suất, quy mô mẫu lớn. TS Trí nói và đề xuất thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam do có nhiều bệnh nhân với các loại ung thư khác nhau. "Đó là cơ hội để áp dụng trên quy mô lớn để giảm bớt chi phí và mẫu thử nghiệm đủ lớn", ông Trí nói. Cần xây dựng bộ quy chế quy định về quản trị dữ liệu. Có thể cần một vài năm nhưng đạt chuẩn mực về đạo đức ngành y toàn cầu tại Việt Nam.
Theo ông Trí, nếu coi thử nghiệm lâm sàng để nâng cao khả năng tiếp cận y học mới hơn thì thấy thử nghiệm này mang lại kết quả tốt cho người bệnh ra sao. Thêm nữa, đây là cơ hội tăng khả năng người bệnh tham gia vào thử nghiệm lâm sàng. "Việc cung cấp thêm vật liệu cho thử nghiệm lâm sàng sẽ là điều kiện thuận lợi ở Việt Nam nói riêng và các nc đang phát triển mới tham gia vào liệu pháp điều trị ugn thư mới", TS Trí nói.
TS Phương Lễ Trí đề xuất thử nghiệm điều trị để nhiều người bệnh ở các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận liệu pháp mới. Ảnh: Phương Linh
Để bệnh nhân dễ tiếp cận, theo GS Je-Jung Lee cũng cần có đầu tư, đặc biệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ y tế, khích lệ sử dụng phương pháp này tại Việt Nam trong tương lai.
Còn GS Mark Steven Cohen gợi ý về hệ dữ liệu quốc gia về ung thư, nhằm phân loại được loại ung thư nào phổ biến, cái nào hiếm, để phát hiện sớm phương pháp điều trị hiện hữu có hiệu quả không. "Cần có nhiều mô hình mới để cá nhân hóa các liệu pháp điều trị từ đó mới nghĩ tới tác động quy mô toàn cầu", ông đề xuất và lấy ví dụ như tạo ra bản sao số với tế bào ung thư và thử nghiệm từ bản sao đó, kết hợp máy học và AI ứng dụng có thể là cách để tìm được phác đồ điều trị tốt nhất.
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam, có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã chú trọng phát triển các sáng kiến và quan tâm đầu tư như chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, chương trình nghiên cứu ung thư toàn quốc và các đề án được các bệnh viện triển khai tổ chức thực hiện.
Ông ghi nhận những chia sẻ và câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng, cùng nhau chia sẻ các phát minh sáng kiến, đồng thời kêu gọi sự kết nối, hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà khoa học, những nhà hoạt động lâm sàng quốc tế và Việt Nam, giúp y học Việt Nam bắt kịp với thế giới và ngày càng phát triển.
"Việt Nam có thể học hỏi, cập nhật thông tin để xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các chính sách, chiến lược trong điều trị, nhằm tạo thêm hy vọng mới cho các bệnh nhân ung thư", Cục trưởng Khuê nói.
Như Quỳnh