Một máy bay của hãng Cathay Pacific. Ảnh: Lifestyle Asia
Chuyến bay CX880 của Cathay Pacific cất cánh từ Sân bay quốc tế Hong Kong vào 12h21 ngày 1/1/2025 và bay hơn 12 giờ trước khi hạ cánh ở Los Angeles vào 20h33 ngày 31/12/2024 giờ địa phương, theo Flightstats. Đây là kết quả do chênh lệch múi giờ và Đường đổi ngày quốc tế (IDL), một đường tưởng tượng chạy dọc kinh tuyến 180 độ ở Thái Bình Dương. Khi đi qua IDL từ tây sang đông, chúng ta sẽ "lùi" một ngày, dẫn tới tình huống có chuyến bay dường như hạ cánh trước khi khởi hành, theo IFL Science.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải bay qua IDL để trải qua hiệu ứng này. Vào năm 1999 - 2000, hãng hàng không Air France cung cấp cho hành khách cơ hội kỷ niệm thiên niên kỷ hai lần với một chuyến bay Concorde rời sân bay Charles de Gaulle ở Paris vào 1 giờ sáng ngày 1/1/2000 và hạ cánh tại sân bay John F. Kennedy ở New York vào 23 giờ ngày 31/12/1999 giờ địa phương. Do máy bay Concorde di chuyển ở tốc độ siêu thanh, nó có thể bay đủ nhanh để "đuổi" theo múi giờ sớm hơn.
Dù được công nhận rộng rãi, IDL không có tính bắt buộc và các quốc gia có thể tự do lựa chọn ngày giờ. Kinh tuyến 180 độ cắt ngang qua một số vùng đất, bao gồm mũi cực đông của Nga và vài hòn đảo Fiji. Tuy nhiên, việc đi qua đường tưởng tượng ở những lãnh thổ này không liên quan tới bất kỳ thay đổi nào về ngày.
Nhiều khía cạnh của múi giờ và lịch do con người quy định, dựa trên hiện tượng thiên văn như vòng quay và quỹ đạo của Trái Đất, nhưng được điều chỉnh cho mục đích thực tế như lịch trình di chuyển và tiêu chuẩn hóa liên lạc trên toàn cầu. Tốc độ quay của Trái Đất có thể bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng và sự phân bố khối lượng trên hành tinh, dẫn tới ngày dài hơn hoặc ngắn hơn vài micro giây so với mốc tiêu chuẩn 24 giờ. Từ năm 1972 đến năm 2020, một ngày trung bình mất khoảng 3 mili giây. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, các ngày trở nên dài hơn một chút mà chưa rõ nguyên nhân.
An Khang (Theo IFL Science)