VNE-Sat-1735876364-1192-1735876393.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5DqY-ooezGsQg3uCn_WTrw

Mô phỏng vệ tinh thuộc chòm Jilin-1 hoạt động trên quỹ đạo. Ảnh: CGTN

Trung Quốc đạt đột phá mới trong liên lạc laser từ vệ tinh tới mặt đất, có thể mở đường cho mạng 6G và nhiều ứng dụng khác bao gồm cảm biến từ xa với độ phân giải siêu cao và công nghệ định vị vệ tinh thế hệ tiếp theo, MSN hôm 2/1 đưa tin. Công ty công nghệ vệ tinh Chang Guang, nơi sở hữu Jilin-1, chòm vệ tinh cảm biến từ xa thương mại độ phân giải nhỏ hơn một mét lớn nhất thế giới, thông báo đạt tốc độ truyền dữ liệu hình ảnh tốc độ 100 gigabit/giây trong thử nghiệm vào tuần trước. Thành tựu mới nhanh gấp 10 lần kỷ lục trước đó, được tạo ra bởi một trong 117 vệ tinh thuộc chòm Jilin-1 và trạm mặt đất đặt trên xe tải.

Theo Wang Hanghang, giám đốc phụ trách công nghệ trạm mặt đất liên lạc bằng laser của công ty, mốc phát triển này đưa vệ tinh của Chang Guang vượt lên Starlink của SpaceX. "Starlink hé lộ hệ thống liên lạc liên vệ tinh bằng laser nhưng chưa triển khai liên lạc bằng laser giữa vệ tinh và mặt đất. Họ có thể sở hữu công nghệ đó nhưng chúng tôi đã bắt đầu triển khai ở quy mô lớn. Chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai liên lạc laser ở tất cả vệ tinh trong chòm Jilin-1 để cải thiện hiệu suất với mục tiêu kết nối 300 vệ tinh vào năm 2027", Wang cho biết. Theo ông, đột phá sẽ đặt nền móng để triển khai và vận hành hiệu quả cơ sở hạ tầng vệ tinh của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng định vị, Internet 6G và cảm biến từ xa.

Trong khi nâng cấp trạm mặt đất khá cao, liên lạc vệ tinh cung cấp độ phủ sóng rộng với chi phí thấp, trở thành hướng quan trọng trong phát triển 6G. Do vệ tinh có độ phân giải cao hơn, khối lượng dữ liệu mà chúng tạo ra tăng theo cấp số nhân, tạo thành trở ngại đối với băng thông truyền dữ liệu vi sóng thông thường. Nhận rõ vấn đề này, đầu năm 2020, Chang Guang chuyển trọng tâm sang công nghệ liên lạc laser, lĩnh vực ghi nhận nhiều bước tiến đáng chú ý trong những năm gần đây.

Trong năm 2022, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đạt được tốc độ truyền laser 100 Gbps, tiếp đó là hệ thống TeraByte InfraRed Delivery (TBIRD) của NASA cũng do MIT phát triển lập kỷ lục 200 Gbps vào năm 2023. Hệ thống TBIRD chỉ nặng bằng một hộp giấy ăn trong khi hệ thống của Trung Quốc lớn và nặng hơn với trọng lượng khoảng 20 kg. Thay vì dùng đài quan sát cố định, trạm mặt đất đặt trên xe tải khiến nó dễ di động. Đây là tùy chọn có thể dẫn tới nhiều ứng dụng nhanh hơn. Cổng liên lạc laser do Chang Guang phát triển lớn cỡ một chiếc balô và hỗ trợ cả truyền dữ liệu liên vệ tinh lẫn từ vũ trụ về Trái Đất, đặt trong số hàng hóa trên vệ tinh phóng từ Trái Đất vào tháng 6/2023.

Vệ tinh 02A02 được lựa chọn cho thử nghiệm nằm trong số 41 vệ tinh phóng trên một tên lửa lên quỹ đạo để gia nhập chòm Jilin-1. Trên mặt đất, cách bố trí trạm liên lạc laser trên xe tải giúp tránh gián đoạn trong khí quyển, tăng cường độ tin cậy và tính ổn định của quá trình truyền dữ liệu từ vũ trụ về Trái Đất. Wang cho biết công ty đang lên kế hoạch thiết lập nhiều trạm thu nhận dữ liệu trên khắp Trung Quốc để nâng cao hiệu quả của thu thập dữ liệu hình ảnh cảm biến từ xa. Kỷ lục trước đây mà hệ thống đạt được là tốc độ truyền 10 Gbps vào tháng 10/2023. Nhóm nghiên cứu đã vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật để đạt đột phá mới nhất, bao gồm nhiễu loạn khí quyển, lỗi chuyển động và dò chính xác chùm laser. Thành tích truyền 100 Gbps từ vệ tinh tới mặt đất tương đương với gửi 10 bộ phim trong một giây.

An Khang (Theo MSN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022