Thông tin được ông chia sẻ tại tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh", sáng 19/12, thuộc khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023.
GS Sir Kostya S.Novoselov nhìn nhận, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng xanh bởi xu hướng chuyển từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện. Đồng thời cũng cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai xanh hoàn toàn. "Đó lý do cần tìm nguồn năng lượng mới", ông nhấn mạnh hiện có nhiều khoản đầu tư khác nhau vào phương tiện vận hành bằng điện, được hy vọng là giải pháp trong tương lai xanh.
Thế nhưng hiện việc sản xuất lưu trữ cung ứng nhiên liệu năng lượng nhiều nơi chưa sẵn sàng. Theo đó "5 năm tới là thời điểm thú vị với ngành khoa học vật liệu. Đó là 5 năm của sự bùng nổ ngành vật liệu và chứng kiến sự thay đổi toàn cầu về nguồn năng lượng được sáng chế từ các công nghệ điện phân, công nghệ màng, công nghệ hóa sinh lion", ông nói. Song điều này cũng đặt ra cho các quốc gia và Việt Nam cần có đánh giá cân nhắc về xây dựng, chuẩn bị hạ tầng để thích ứng. Khi công nghệ bùng nổ, các nhà khoa học sẽ thiết kế nhiều sản phẩm mới nhưng đòi hỏi cần có nguồn lực để thích ứng.
GS Sir Kostya S.Novoselov trao đổi tại tọa đàm sáng 19/12 tại Hà Nội. Ảnh: Văn Lâm
Theo GS Novoselov, mục tiêu phát triển bền vững hay phát thải bằng 0 vào năm 2050 không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào đầu tư hạ tầng. Làm sao phát triển đủ hệ thống trạm sạc cung ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời tại một trạm sạc có đủ các loại hình nhiên liệu tương thích với các loại phương tiện giao thông khác nhau là một bài toán cần nghiên cứu, giải quyết. Đây là lý do ông đánh giá song song với sản xuất điện cần nghĩ tới tích điện, trạm điện, tăng cường công suất điện đáp ứng công nghệ tương lai.
"Các trạm sạc có theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hay không, có đáp ứng được công nghệ mới không, công suất pin có đủ lớn không, liệu có thể chế tạo loại pin mới tích hợp với xe điện để đi được hơn 100.000 dặm hay không?", ông đặt hàng loạt câu hỏi cho thấy cần sẵn sàng để đạt được mục tiêu giao thông xanh.
GS Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley, Mỹ nhìn nhận Việt Nam hiện có nhiều cơ sở khoa học công nghệ tốt, là thời điểm để phát triển cách nghĩ mới về khoa học vật liệu. Song ông cho hay cần tạo ra sự chuyển dịch đảm bảo công bằng, yếu tố này cần được lồng ghép vào quá trình chuyển đổi.
Trước đây năng lượng mặt trời là công nghệ mới, có giá thành phù hợp và thấp hơn nhiều so với nhiều năng lượng khác. Nhưng nay, điện trời áp mái, điện gió ngoài khơi cũng đang mở ra cánh cửa mới. GS Daniel cho rằng cần khai thác cân bằng với từng loại năng lượng tùy theo thời gian, nhu cầu. Hiện nhóm nghiên cứu của họ đã phát triển một số công cụ phân tích vòng đời năng lượng giúp hiểu rõ giai đoạn sử dụng, sản xuất và và sau sử dụng dù đó là điện hay hydro.
Các nhà khoa học thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Văn Lâm
Còn GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara, Chủ tịch hội đồng sơ khảo giải VinFuture, bày tỏ băn khoăn về vấn đề tái chế các nhiên liệu, năng lượng mới. Bà cho hay năng lượng không phải là vấn đề riêng quốc gia nào hay của riêng ai, cần phải nhìn bức tranh toàn cảnh và tác động xã hội của xanh hóa. Khi nghĩ tới công nghệ mới, vật liệu mới đặc biệt phải nghĩ tới tái chế. "Việc bùng nổ công nghệ sau đó ta phải tái chế như thế nào", bà nêu.
Ông Akihisa Kakimoto, nguyên Giám đốc công nghệ tại Tập đoàn Hóa chất Mitsubishi Nhật Bản, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture đồng tình. Ông cho hay nên nhìn bức tranh vĩ mô và chuỗi giá trị để đánh giá được các chu trình từ sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng đến sản phẩm công nghệ thiết kế và tái chế chất thải. Song chi phí cũng là vấn đề thách thức của các quốc gia muốn phát triển giao thông xanh, theo Akihisa.
Như Quỳnh