
Chất độc của cây tự sát tập trung ở hạt. Ảnh: National Geographic
Cây tự sát (Cerbera odollam) thuộc họ Trúc đào, họ cây có hoa nổi tiếng cực độc. Loài cây này phân bố ở Đông Nam Á, các quần đảo Thái Bình Dương và bắc Australia, dù lan khắp thế giới như một loại cây trang trí. Cerberin, chất độc ở cây tự sát, tập trung nhiều nhất trong hạt của quả, lớn cỡ hột đào. Một lượng chất độc rất nhỏ cũng có thể gây chết người, dù một số người có thể phục hồi sau khi trúng độc, theo National Geographic.
Khác với bất kỳ chất độc nào, việc hồi phục sau khi nhiễm cerberin phụ thuộc vào mỗi người như tuổi tác, giới tính, kích thước và liệu người đó có bệnh nền hay không", Hilary Hamnett, phó giáo sư khoa học pháp y ở Đại học Lincoln, cho biết.
Cerberin khiến hạt cây có vị đắng cực khó chịu. "Các loại thực vật tiến hóa để sản sinh hóa chất rất đắng nhằm ngăn hạt bị ăn mất dẫn tới không thể sinh sản và phát triển. Động vật tới ă hạt một lần và vị đắng ngăn chúng tiếp tục ăn lần sau. Đó là một cơ chế tự vệ", Hamnett giải thích.
Qua nhiều thế kỷ, con người đã học cách nghiền hạt cây tự sát và những họ hàng có độc của nó thành bột mịn và nuốt vì nhiều lý do, bao gồm chữa bệnh, để tự tử hoặc thậm chí trừng trị phù thủy. Ngoài vị khó chịu, cerberin còn là glycosid tim (chất có tác dụng đặc hiệu đối với tim). Tương tự nhiều chất độc khác, cerberin được hấp thụ vào mạch máu từ dạ dày. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng 20 - 30 phút khi hệ thống tự vệ của cơ thể thúc đẩy phản ứng nôn mửa và tiêu chảy để đẩy chất độc ra ngoài.
Trong vòng một giờ sau khi tiêu hóa, cerberin có thể hạ thấp nhịp tim của một người tới mức nguy hiểm thông qua làm gián đoạn bơm natri - kali điều phối cử động tim, theo Hamnett. Người nhiễm độc có thể thấy tim đập nhanh và rối loạn nhịp tim, dẫn tới suy tim.
Cây tự sát nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ như một tác nhân gây tử vong. Một nghiên cứu năm 2004 chỉ ra cây tự sát chiếm khoảng 1/2 số ca ngộ độc do thực vật và 1/10 tổng số ca ngộ độc ở Kerala, Ấn Độ từ năm 1989 đến năm 1999. Cùng nghiên cứu ước tính mỗi năm có khoảng 3.000 người tử vong trong những thế kỷ qua do cây tự sát và họ hàng gần của nó là xoài biển (Cerbera manghas).
Cây tự sát cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân một phần do nó thường bị tiêu hóa ở vùng nông thôn hẻo lánh không thể chữa trị khẩn cấp. Tuy nhiên, loài cây này đang lan khắp toàn cầu khi những người bán lẻ trực tuyến rao bán rộng rãi cây và hạt. Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện 6 trường hợp nhiễm độc cây tự sát ở Mỹ, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Hiện nay, chưa có chất giải độc cây tự sát, ngay cả với bệnh nhân nhận được chăm sóc y tế kịp thời. Các bác sĩ có thể sử dụng chất độc có ảnh hưởng trái ngược như atropine kết hợp hồi sức tim phổi.
"Đối với người không được chữa trị, họ có thể tử vong trong vòng một giờ. Khi người nhiễm độc nhập viện, nhịp tim của họ thường ở mức 30 nhịp/phút, nó giảm cực kỳ nhanh cho tới khi ngừng hoạt động", Hamnett cho biết.
An Khang (Theo National Geographic)