VNE-Mum-7973-1722701444.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W3-R6NTJDUzADL1lSZw3kA

Ảnh chụp cắt cắt lớp khuôn miệng há to của Người phụ nữ hét. Ảnh: Sahar Saleem

Một người phụ nữ Ai Cập chết đau đớn đến mức các cơ bắp lập tức cứng lại, "đóng băng" tiếng hét cuối cùng của bà trong 3.500 năm, theo kết quả phân tích xác ướp có biệt danh "Người phụ nữ hét". Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy người phụ nữ được ướp xác bằng những hợp chất nhập khẩu xa xỉ và tất cả nội tạng vẫn ở bên trong cơ thể, hé lộ một cách bảo quản độc đáo. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện hôm 2/8 trên tạp chí Frontiers in Medicine.

"Ướp xác ở Ai Cập cổ đại vẫn chứa đựng nhiều bí mật", đồng tác giả nghiên cứu Sahar Saleem, nhà X quang học ở Bệnh viện Kasr Al Ainy thuộc Đại học Cairo, cho biết. Nội tạng nguyên vẹn thường là dấu hiệu của quá trình ướp xác kém hoặc cẩu thả, nhưng Người phụ nữ hét được bảo quản đặc biệt tốt. "Điều này gây bất ngờ cho tôi bởi phương pháp ướp xác truyền thống ở thời Tân Vương quốc (năm 1550 - 1070 trước Công nguyên) bao gồm loại bỏ mọi nội tạng ngoại trừ tim", Saleem nói.

Các nhà khảo cổ học khai quật xác ướp Người phụ nữ hét (đặt theo khuôn miệng há to của người chết) ở Deir el-Bahari, gần Luxor, Ai Cập, năm 1935 trong khi làm việc với ngôi mộ của Senenmut, kiến trúc sư kiêm quan lại nổi trội bị đồn là tình nhân của nữ hoàng Hatshepsut. Người phụ nữ hét được mai táng trong một hầm mộ gần đó, nhiều khả năng là thành viên gia đình gần gũi với Senenmut, theo Saleem.

Xác ướp đội bộ tóc giả màu đen và hai chiếc nhẫn hình bọ cánh cứng. Mái tóc tự nhiên của bà được nhuộm màu nâu đỏ đậm và xanh. Kính hiển vi điện tử hé lộ bộ tóc giả được làm từ cây chà là. Kiểm tra nhiễu xạ tia X hé lộ nó chứa hỗn hợp tinh thể thạch anh, magnetite và albite, nhiều khả năng để làm cứng lọn tóc và tạo ra màu tóc đen. Tóc giả thường được dùng cho mục đích mai táng và trong đời sống hàng ngày.

Bí quyết phía sau tình trạng nguyên vẹn của xác ướp nằm ở hợp chất ướp xác xa xỉ, theo Saleem và cộng sự Samia El-Merghani ở Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập. Sử dụng quang phổ hồng ngoại, họ phát hiện dấu vết của nhựa cây bách xù và trầm hương, những sản phẩm đắt đỏ có thể nhập khẩu vào Ai Cập từ phía đông Địa Trung Hải, Đông Phi hoặc Nam Ả Rập. Nhựa cây và trầm hương ngăn cơ thể phân hủy do vi khuẩn và côn trùng.

Đây không phải là xác ướp duy nhất được phát hiện với biểu cảm la hét. Hoàng tử Pentawere (năm 1173 - 1155 trước Công nguyên) và công chúa Meritamun (năm 1525 - 1504 trước Công nguyên) cũng được khai quật với khuôn miệng há to. "Há miệng xảy ra khi những cơ bắp giãn ra trong lúc ngủ hoặc phân hủy sau khi chết. Để khép miệng người chết, người ướp xác thường quấn xương hàm dưới với hộp sọ", Saleem giải thích.

Nhưng trường hợp này lại khác. Khuôn miệng há to là kết quả từ cái chết đau đớn. Biểu cảm gương mặt la hét trong nghiên cứu này có thể được xem như dấu hiệu co cứng tử thi, có nghĩa người phụ nữ chết trong lúc la hét vì đau đớn. Co cứng tử thi xảy ra khi cơ bắp co rút ngay trước lúc chết, chiến chúng cứng lại. Tình trạng đó có thể xảy ra trong trường hợp chết do tấn công, tự tử hoặc chết đuối. Không giống nguyên nhân cái chết của hai xác ướp trên (Pentawere tự tử và Meritamun bị đau tim), ảnh chụp cắt lớp vi tính Người phụ nữ hét không thể hiện nguyên nhân cái chết của bà.

Tuy nhiên, ảnh 2D và 3D từ bản chụp cắt lớp giúp làm sáng tỏ chiều cao, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bà. Người phụ nữ cao khoảng 1,5 mét. Khớp giữa hai xương chậu (thay đổi theo tuổi tác) chỉ ra bà khoảng 48 tuổi khi qua đời. Xương ở cột sống cũng cho thấy bà có thể bị viêm khớp nhẹ. Người phụ nữ mất vài chiếc răng, có thể ngay trước khi chết, thể hiện qua ổ răng chưa lành.

Saleem và cộng sự hy vọng tiến bộ trong kỹ thuật khoa học sẽ cho phép họ tìm hiểu nhiều thông tin về xác ướp. Người phụ nữ hét đang được lưu giữ ở Bảo tàng Ai Cập tại Cairo, trong khi quan tài và nhẫn của bà được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022