Vi-trong-luc-set-5066-1714475779.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rdnwtT2qB8pO4qSqnanX1g

Yuri Gagarin là người đầu tiên ăn uống ngoài không gian. Ảnh: IFL Science

Bữa ăn đầu tiên trong không gian diễn ra ngay trong chuyến bay đầu tiên của nhân loại lên quỹ đạo vào năm 1961. Khi đó, phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, hoàn thành một vòng bay quanh Trái Đất trong 108 phút.

Khoang tàu vũ trụ Vostok 1 của Gagarin chất đầy đồ dự trữ dùng cho 13 ngày, đề phòng tên lửa đẩy lùi (tên lửa giúp giảm tốc độ của tàu) bị hỏng và phải đợi con tàu hạ quỹ đạo tự nhiên để trở về Trái Đất. Đây cũng là cơ hội tốt để thử nghiệm ăn uống trong không gian.

Bất chấp các thử nghiệm được thực hiện trong máy bay "Vomit Comet" ở Trái Đất, các nhà khoa học vẫn không biết chắc chắn liệu những chức năng cơ bản như nhai và nuốt có thể được thực hiện trong môi trường vi trọng lực hay không. Một điều quan trọng cần chú ý là "không mảnh vụn", nên giải pháp là các loại thực phẩm có thể làm thành dạng sệt và đặt trong một tuýp kim loại giống tuýp kem đánh răng.

Dù ở trên quỹ đạo chưa đầy hai tiếng, Gagarin vẫn kịp thưởng thức vài món ăn. Món chính là thịt bò và gan xay nhuyễn. Gagarin ăn hai tuýp này, sau đó ăn thêm một tuýp sốt chocolate để tráng miệng.

Thời điểm đó, các nhà khoa học chưa rõ tác dụng của vi trọng lực với con người. Họ không muốn mạo hiểm nên tàu vũ trụ được điều khiển từ mặt đất với mật mã để chuyển sang điều khiển bằng tay chỉ trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả trường hợp quá trình tiêu hóa gặp trục trặc. Nhưng với bữa ăn đầu tiên trên quỹ đạo, Gagarin đã chứng minh rằng việc ăn uống trong không gian hoàn toàn khả thi.

Ngày càng có nhiều phi hành gia bay lên vũ trụ và ở lại lâu hơn, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tác động của môi trường vi trọng lực đến con người. Họ nhận thấy vị giác của con người có thể thay đổi. Các chất lỏng trong cơ thể di chuyển về phía đầu và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, điều này có thể dẫn đến sự suy giảm những yếu tố khứu giác trong hương vị của thực phẩm, giống như ăn trong lúc bị cảm lạnh.

Sau thời Gagarin, chế độ ăn uống của các phi hành gia trên quỹ đạo có nhiều cải tiến. Họ không chỉ được giao pizza đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) mà còn có thể nướng bánh quy. Họ cũng có thể uống cà phê nhờ một chiếc cốc chuyên dụng để uống trong môi trường vi trọng lực.

Giới khoa học thậm chí còn thử nghiệm khả năng chiên thức ăn trong môi trường vi trọng lực. Các thử nghiệm được tiến hành cẩn thận bằng cách sử dụng một nồi chiên đặc biệt trên máy bay mô phỏng điều kiện không trọng lượng. Qua đó, họ chứng minh rằng việc chiên ngập dầu trong môi trường vi trọng lực là khả thi với bộ dụng cụ phù hợp. Tuy nhiên, quy tắc "không mảnh vụn" vẫn là một thách thức khó vượt qua.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022