GS Lee Young Hee, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAST), Giám đốc Trung tâm Vật lý Cấu trúc Nano Tích hợp (CINAP) tại Đại học Sungkyunkwan (SKKU) chia sẻ như vậy trong chuyến công tác và làm việc tại Hà Nội hôm 17/4. Ông có 15 năm nghiên cứu về các vật liệu bán dẫn khác với silicon, cụ thể là các vật liệu bán dẫn hai chiều (2D) xếp lớp.
GS Lee Young Hee có bài giới thiệu về những thách thức trong lĩnh vực chất bán dẫn thấp chiều tại Đại học Bách khoa Hà Nội hôm 17/4. Ảnh: BC
Ông cho rằng hiện nay, công nghệ silicon đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, với sự phát triển được dẫn dắt bởi định luật Moore. Tuy nhiên, công nghệ này đang dần tiến đến giới hạn cơ bản, chẳng hạn giới hạn về khả năng thu nhỏ kích thước xuống vài nanomet và giới hạn cơ học lượng tử. Vì vậy, việc tìm kiếm những công nghệ mới thay thế cho silicon là vô cùng quan trọng.
"Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn, như Hàn Quốc", ông nói và cho rằng việc đơn thuần tiếp nối công nghệ silicon sẽ không giúp Việt Nam đạt được lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, cần tập trung vào phát triển những công nghệ mới, đột phá hơn, tập trung vào việc phát triển các vật liệu mới và cải thiện hiệu suất thiết bị để có thể cạnh tranh trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực điện toán lượng tử.
Về yếu tố then chốt cho sự thành công của Việt Nam "đó là nguồn nhân lực chất lượng cao và văn hóa làm việc chăm chỉ, sáng tạo", ông nói và cho biết đã có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên Việt Nam và thực sự ấn tượng với tinh thần cầu tiến và sự cống hiến của họ. Đây là một lợi thế lớn mà Việt Nam cần phát huy để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, ông cũng gợi ý cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cả thiếu hụt về nhân lực trình độ cao và trang thiết bị hiện đại.
Nhìn từ kinh nghiệm Hàn Quốc, GS Lee Young Hee cho rằng Việt Nam nên tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. "Tôi cũng đề xuất việc thành lập một cơ quan như phòng thí nghiệm Quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn", ông nói. Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Lý giải về đề xuất này, ông cho biết từng hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và mời sinh viên đến thực tập tại phòng thí nghiệm của mình. Ban đầu các sinh viên gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường và thiết bị mới. Điều này cho thấy việc đào tạo sinh viên với các thiết bị hiện đại là cần thiết, nhưng cần được thực hiện bài bản và có sự đầu tư tương xứng.
Theo đó GS Lee Young Hee kỳ vọng nhiều vào sự đầu tư từ phía Chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng và trang bị thiết bị hiện đại cho các trường đại học. "Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan", ông nói và thêm rằng tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút nguồn nhân tài.
Dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, bên cạnh xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn, các chương trình, đề án phục vụ phát triển nguồn nhân lực vi mạch đã được Bộ triển khai. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 đã ban hành, trong đó xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn là một trong những công nghệ lõi được định hướng trong thập kỷ tới. Các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia; đề án tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến, cùng hoạt động ươm tạo doanh nghiệp lĩnh vực vi mạch điện tử... là cơ sở góp phần chuẩn bị nhân lực cho ngành công nghiệp này.
Bảo Chi